"Cơ bắp" Mỹ thống trị thị trường bán tải cao cấp tại Việt Nam
Xe++ - Ngày đăng : 16:00, 29/10/2018
Ranger Raptor là sự hòa quyện của xe máy cào cào với xe đa địa hình ATV, trong khuôn hình của một chiếc bán tải!". |
Tại triển lãm lần này, Ford không có xe sang cũng chẳng có xe ý tưởng, nhưng lại gây ấn tượng bằng mẫu Ranger Raptor đậm chất cơ bắp Mỹ. Đây là mẫu xe có ý tưởng phát triển gần tương đồng như đàn anh F-150 Raptor, khi kết hợp những năng lực “đi tới mọi nơi” của bán tải Ranger truyền thống với những tinh chỉnh về hiệu năng vận hành nhanh và sôi động hơn.
Do đó, khác với nhiều mẫu bán tải chỉ độ lại với phụ kiện nâng cấp, Raptor được phát triển độc lập với Ranger thường, thiên về tốc độ và hiệu quả vận hành ngay từ trong trứng nước. Nói cách khác, đây là chiếc xe bán tải hiệu năng cao nguyên bản” nhằm đáp ứng niềm đam mê của các tay đua offroad. Xe sở hữu động cơ dầu diesel hoàn toàn mới 4 xy lanh với dung tích 2.0L, tăng áp kép (Bi-Turbo) cho công suất 216 mã lực, mô men xoắn cực đại 500Nm.
So với động cơ 5 xy lanh Duratorq 3.2L lâu nay của Ranger Wildtrak, động cơ trên Raptor mạnh hơn 14 mã lực và 30Nm. Theo kĩ sư trưởng Ranger Raptor Damien Ross, một trong những lý do khiến động cơ 2.0L tăng áp kép mới trở nên đặc biệt chính là vì nó song hành với hộp số tự động 10 cấp hoàn toàn mới, được Ford phát triển trong mối quan hệ hợp tác với General Motors.
Ngoài hai món nêu trên, Ranger Raptor còn được trang bị hệ thống treo thích ứng 6 cấp Fox với hành trình thụt lớn, và nhiều tùy biến riêng để phù hợp với nền tảng của Ranger. Xe cũng có hệ thống treo sau với kết cấu Watts Link độc đáo, khoảng sáng gầm cao hơn (giờ đây lên tới 283mm) vành 17 inch (lốp BF Goodrich AT đa địa hình), đĩa phanh lớn hơn (332mm). Đây đều là những nâng cấp không có trên thị trường phụ kiện hiện nay.
Mặc dù sở hữu Navara cũng rất được ưa chuộng, nhưng Nissan năm nay tập trung trình diễn các mẫu xe cỡ nhỏ và thực dụng. |
Khung gầm của xe cũng được gia cố đáng kể, bao gồm cả các tấm ốp siêu cứng. Với nền tảng khung gầm và hệ thống treo tốt, không lạ khi Ranger Raptor "mượn" cả chế độ vận hành Baja Mode từ F-150 Raptor, mà có thể hiểu nôm na là thứ sẽ đem lại những giây phút sôi động cho những ai đam mê trải nghiệm tốc độ trên địa hình xấu.
Trong khi đó, đối thủ đồng hương của Ford là Chevrolet cũng tung ra mẫu Colorado Storm tại VMS 2018. Tuy nhiên, mẫu xe này được phát triển dựa trên phiên bản Colorado High Country tại Thái Lan và tạo khác biệt nhờ gói phụ kiện ngoại thất giúp mẫu xe sở hữu một diện mạo hầm hố hơn, cùng với một số tính năng bổ sung.
Động cơ được trang bị là loại Duramax 4 xy lanh diesel tăng áp 2,5L (như Colorado tiêu chuẩn) cho công suất 180 mã lực tại vòng tua máy 3.600 vòng/ phút, mô-men xoắn cực đại đạt 440 Nm tại vòng tua 2.000 vòng/ phút.
Theo quan sát tại triển lãm, một trong những "món độc" của Colorado Storm là chức năng khởi động từ xa với khoảng cách lên đến 100m (tự động tắt sau 10 phút nếu lái xe không lên để đảm bảo an toàn). Đây là một tính năng đặc biệt chưa có trên các dòng bán tải nào tại Việt Nam, nhưng rõ ràng chỉ là tiện ích, chứ không phải một tính năng thực sự thuyết phục.
Dù là điểm nhấn của Chevrolet tại VMS 2018, Colorado Storm chưa sánh vai được với Ranger Raptor. |
Không khó để nhận ra rằng, sự hiện diện của Ranger Raptor không đơn thuần tạo ra một lựa chọn mới, mà thực chất đã tạo ra một nấc thang mới trên sân chơi bán tải Việt. So với các dòng xe cùng phân khúc, Ranger Raptor đắt hơn đáng kể (giá tơi 1.189 tỷ đồng, trong khi Colorado Storm cũng chỉ ở mức 809 triệu đồng).
Bù lại, bên cạnh những nâng cấp đầy giá trị về khả năng vận hành, xe cũng có ưu thế lớn khi không bị giới hạn về niên hạn sử dụng (25 năm) như các đối thủ, dù vẫn phải đóng phí trước bạ như với xe du lịch. Việc thay thế động cơ cỡ nhỏ còn cho phép Ranger Raptor đáp ứng tốt hơn những khung quy định ngày càng hà khắc về khí thải và môi trường. Cuối cùng, do "kì phùng địch thủ" Chevrolet Colorado ZR2 chưa hiện diện, Raptor nghiễm nhiên độc chiếm phân khúc bán tải thể thao cao cấp tại Việt Nam.
Về phần mình, mặc dù sở hữu trong tay nhiều dòng bán tải được ưa chuộng, các thương hiệu Nhật Bản lại im ắng trong sân chơi năm nay. Nissan không trưng bày Navara, mà nhường sân chơi lại cho mẫu SUV Terra, vốn được phát triển dựa trên chính chiếc bán tải ăn khách của mình. Trong khi đó, Toyota tập trung hoàn toàn vào xe cỡ nhỏ (Wigo, Rush) và các dòng MPV mới (Avanza, Innova), còn Mitsubishi lại chọn chú trọng tới một số mẫu crossover mới. Thực trạng này cho thấy sự phân hóa rõ nét của thị trường ô tô, đặc biệt là phân khúc bán tải trong thời gian tới.
Trong khi các thương hiệu Mỹ chú trọng tới mảng sản phẩm cao cấp (đặc biệt là xe "chơi"), những nhà sản xuất Nhật Bản lại chọn cách đưa ra các sản phẩm thuần hơn, đáp ứng đúng nhu cầu căn bản của dòng xe bán tải (cũng thể hiện qua việc Hilux, Navara, Triton hay D-Max đều không có các phiên bản nâng cấp ở bất kì hình thức nào).
Đây là hai hướng phát triển thị phần có nhiều tiềm năng, nhưng chắc chắn sẽ đòi hỏi chiến lược hoàn toàn khác biệt. Điều này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn trong cách xây dựng thương hiệu của mỗi dòng sản phẩm tại thị trường Việt Nam, ít nhất là trong một năm tới.