Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 30/10/2018
Hàng hóa không rõ nguồn gốc
Thành phố hiện có 454 chợ các loại, gồm 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3; 63 chợ chưa phân hạng. Có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán). Thống kê sơ bộ, các chợ trên đang cung cấp khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Theo ông Lê Trung Kiên - bộ phận Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội), kiểm tra thực tế công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ đầu mối cho thấy, lượng hàng hóa bán ở các chợ tương đối lớn nhưng sản phẩm đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ mà tiểu thương chỉ có ghi chép sổ sách lượng hàng hóa nhập về bán. Chẳng hạn tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), hằng ngày, trung bình có 700 hộ kinh doanh tại chợ, qua kiểm tra sản phẩm động vật của các hộ kinh doanh tại chợ đều được mua từ các nơi khác mang về bán, nhất là sản phẩm đã qua chế biến đều không có tem nhãn sản phẩm. Các hộ kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng... để chứng minh nguồn gốc sản phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). |
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra thực tế tại chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho thấy, tất cả các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đều được trang bị bàn inox nhưng dụng cụ sơ chế chưa bảo đảm; người kinh doanh chưa trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Tuy nhiên, sản phẩm thịt gà, thịt lợn đang kinh doanh tại chợ đều được cán bộ thú y kiểm tra trước khi đưa vào chợ. Tại khu vực kinh doanh rau, củ, quả, có 120 hộ kinh doanh có giá kệ, khoảng 180 hộ kinh doanh rau, củ, quả bày bán trên bạt hoặc vỏ bao bì, thúng, mẹt để trên sàn chợ chưa bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Về khó khăn trong kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm bán tại chợ đầu mối, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hiện nay hơn 70% người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm; chỉ có 30% số người tiêu dùng giao dịch tại siêu thị. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên còn mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ, chưa có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nhằm giám sát thực phẩm qua chế biến và tươi sống tại chợ đầu mối từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 80 mẫu/190 mẫu, trong đó có 30 mẫu thịt tươi sống, 39 mẫu thực phẩm chế biến, 12 mẫu muối, gia vị... đã có kết quả 40 mẫu, trong đó phát hiện một mẫu chả tôm có chứa chất cấm trong nuôi trồng thủy sản (chloramphenicol); 7 mẫu cá nuôi nước ngọt phát hiện có malachite green là chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Nâng cao ý thức hộ kinh doanh
Để từng bước quản lý vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán ở chợ đầu mối, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các ngành chức năng cần phối hợp với ban quản lý chợ đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ ký cam kết kinh doanh những mặt hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ban quản lý chợ tăng cường công tác quản lý, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh trong chợ bằng các hình thức phù hợp như thông qua hệ thống loa truyền thanh của chợ. Bộ NN&PTNT sớm ban hành bộ quy định tiêu chí cụ thể cho các chợ đầu mối, chợ bán buôn hàng hóa nông sản và đội liên ngành thanh tra, quản lý thị trường, quản lý chất lượng thanh kiểm tra, kiểm soát chất lượng, thống kê đầu vào - ra, nguồn hàng của các tỉnh, thành phố nhập về các chợ đầu mối. Qua đó, sẽ truy xuất được nguồn gốc nông sản thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, các sở, ngành tham mưu cho thành phố hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị… tại các chợ đã xuống cấp. Đặc biệt tại các chợ đầu mối như: Cải tạo nâng cấp về hệ thống điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước máy và giếng khoan bảo đảm an toàn hợp vệ sinh, phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh. Hệ thống giao thông xung quanh chợ cần được tráng bê tông; đường vào chợ và các lối đi nội bộ trong chợ rộng rãi, khô ráo và thông thoáng, thuận tiện cho việc ra - vào chợ. Thành phố chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để các tỉnh, thành phố và tiểu thương giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản vùng, miền; nông sản an toàn tại Hà Nội; từng bước hình thành chợ đấu giá, phân phối hàng hóa nông sản và đặc sản vùng, miền của cả nước tại Hà Nội.