TP Hồ Chí Minh: Giao đất dựa trên nhu cầu thị trường
Bất động sản - Ngày đăng : 07:13, 30/10/2018
TP Hồ Chí Minh đang tìm các giải pháp nhằm đưa thị trường nhà ở phát triển đúng “quỹ đạo”. |
Sử dụng đất chưa hiệu quả
Mới đây, dự án Đức Long Golden Land (quận 7) đã bị Thanh tra TP Hồ Chí Minh cùng đoàn liên ngành chỉ ra một số vấn đề tồn tại như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất nhưng đã khởi công xây dựng, dự án có dấu hiệu chuyển nhượng không đúng quy định của pháp luật, hay phần đất công trong dự án “bỗng dưng” biến mất… Hiện Thanh tra TP Hồ Chí Minh phối hợp với đoàn liên ngành thanh tra, rà soát toàn diện để làm rõ những sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Lợi dụng thị trường bất động sản đang “nóng”, thời gian qua nhiều chủ đầu tư dù chưa hoàn tất các yếu tố pháp lý, hoặc mới “xí” đất nhưng đã tiến hành huy động vốn từ khách hàng thông qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ. Điều đáng nói, sau khi “ôm” tiền, chủ đầu tư chậm trễ thực hiện nghĩa vụ với khách hàng. Đơn cử, nhiều khách hàng phản ánh, dự án La Cosmo Residences (quận Tân Bình), dù đến tháng 6-2019 mới đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật nhưng chủ đầu tư đã thu tới 15% giá trị căn hộ. Chị Thu Hoài (quận 3) bức xúc: “Ban đầu chủ đầu tư hứa hẹn khởi công sớm, nhưng nếu tính từ lúc khách hàng xuống tiền đến khi dự án khởi công kéo dài gần 1 năm. Nếu tính theo lãi suất ngân hàng, người mua nhà như tôi thiệt hại không nhỏ”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, những dự án mà thành phố đã giao cho chủ đầu tư, nhưng nhiều năm “ngâm” không triển khai đã gây lãng phí rất lớn tài nguyên đất đai. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng, thực tế này cho thấy sự phân bổ, sử dụng nguồn lực đất đai chưa hiệu quả, chưa hợp lý. Trong khi thành phố đang thiếu quỹ đất để đầu tư nhà ở giá rẻ thì không ít khu đất dù đã có chủ nhưng bỏ hoang nhiều năm là không thể chấp nhận được.
Đưa cung “khớp” với cầu
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp tranh nhau “xí phần” vị trí đất đẹp, có giá trị cao nhưng sau đó không triển khai hoặc sang nhượng lại để hưởng phần chênh lệch, gây thất thu cho ngân sách nhà nước là một thực tế có thật. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp công tác thực thi pháp luật về đất đai còn bất cập khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện dự án. Ông Châu dẫn chứng, năm vừa qua, một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP Hồ Chí Minh mong muốn sớm được nộp tiền sử dụng đất, nhưng có đến 15 dự án bị kéo dài thủ tục tính tiền sử dụng đất. Sau khi đích thân Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt thì mới giải quyết xong vấn đề, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án.
Đối với những dự án mà doanh nghiệp cố tình chây ỳ, có dấu hiệu trục lợi bất chính, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở phối hợp với UBND 24 quận, huyện tiến hành rà soát 2.758 dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Qua rà soát, căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng, bước đầu xác định có 215 dự án liên quan đến việc chậm triển khai, nguyên nhân do năng lực của chủ đầu tư. Về trường hợp này, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho thành phố và ngay trong quý IV-2018 phải đề xuất giải pháp quyết định “số phận” các dự án trên.
Trước đây, TP Hồ Chí Minh giao đất phát triển dự án nhà ở chủ yếu dựa trên quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Hiện nay, ngoài việc sử dụng đất đúng mục đích và quy hoạch, điều kiện để giao đất cho chủ đầu tư còn căn cứ trên nhu cầu nhà ở thực tế của thị trường, nhằm tránh tình trạng phát triển dự án tràn lan, cung lệch cầu, tồn kho, gây lãng phí. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu về nhà ở của người dân thành phố rất lớn, thường nguồn cung không đủ cầu. Tuy nhiên, thực tế giao dịch trên thị trường thời gian qua lại đi theo hướng khác, chủ đầu tư có xu hướng phát triển dự án để đáp ứng nhu cầu mua đi bán lại hơn là nhu cầu mua để ở.
Chính vì vậy, để nguồn cung nhà ở “khớp” với nhu cầu thật, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, sớm trình UBND thành phố để làm cơ sở thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư các dự án nhà ở theo kế hoạch sử dụng đất từ nay đến năm 2020.