Cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái
Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 31/10/2018
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ 3 tại Hà Nội. |
- Việt Nam luôn chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nhưng khoảng cách chênh lệch về giới vẫn tồn tại. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?
- Phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách quốc gia về an sinh xã hội. Nổi bật là chính sách thúc đẩy việc làm bền vững, giảm nghèo, trợ giúp xã hội; chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch… Hằng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chương trình trợ giúp xã hội, trong đó có chương trình dành cho phụ nữ và trẻ em gái.
Là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ học nghề, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…, phụ nữ có nhiều cơ hội khẳng định vai trò quan trọng của mình trong gia đình và xã hội. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam làm chủ doanh nghiệp đạt hơn 30%; tỷ lệ lao động nữ tham gia lao động xã hội đạt hơn 70% và chiếm hơn 48% tổng số lao động có việc làm, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Khoảng cách chênh lệch về giới trên mọi lĩnh vực ngày càng thu hẹp. Trong nhận thức xã hội, phụ nữ không chỉ là những người thực hiện tốt vai trò làm vợ, làm mẹ mà còn là một lực lượng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trẻ em gái được nuôi nấng, dạy dỗ, tạo cơ hội phát triển tương tự trẻ em trai.
Tuy nhiên, nước ta cũng như nhiều nước trong khu vực, vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giới. Đáng lo hơn, lao động nữ đang chiếm tỷ lệ cao ở những ngành, nghề nặng nhọc, trình độ thấp, dễ bị máy móc thay thế. Thu nhập trung bình của lao động nữ thấp hơn nam giới, định kiến về giới chưa được xóa bỏ hoàn toàn trong quá trình tuyển dụng, lựa chọn nghề nghiệp. Gánh nặng gia đình và những công việc chăm sóc không lương vẫn là rào cản đối với phụ nữ trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển nghề nghiệp…
- Theo bà, các bên liên quan cần làm gì để phụ nữ và trẻ em gái không bị bỏ lại phía sau?
- Trước hết, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm thực hiện quy định về bình đẳng giới, chú ý lồng ghép nội dung về giới khi xây dựng, triển khai các chính sách liên quan. Những chính sách an sinh xã hội dành cho phụ nữ và trẻ em gái cần được tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả; các mô hình, dịch vụ trợ giúp xã hội mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng cần được nghiên cứu nhân rộng. Nguồn lực để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới cần được ưu tiên…
Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, đại diện các cơ quan chức năng đề xuất nhiều quy định liên quan đến giới và bình đẳng giới. Chẳng hạn, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu có sự rút ngắn giữa lao động nam và nữ; chế độ thai sản, chăm sóc con nhỏ được quy định cụ thể đối với cả nam và nữ... Những quy định này vừa tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, vừa là nền tảng pháp lý góp phần tạo sự thay đổi nhận thức về giới, bình đẳng giới.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, bản thân phụ nữ và trẻ em gái phải nỗ lực, chủ động vượt qua những rào cản, nắm bắt cơ hội học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tận dụng các cơ hội việc làm để nâng cao thu nhập, nuôi sống bản thân, gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu thiếu sự nỗ lực, quyết tâm, mỗi phụ nữ, mỗi trẻ em gái khó có thể tiến lên phía trước. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nam giới không thể đứng ngoài cuộc, họ chính là đối tượng khích lệ, động viên, chia sẻ, giúp những người phụ nữ trong gia đình có nhiều thời gian, cơ hội học tập, lao động, phấn đấu…
- Với vai trò là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN giai đoạn 2018-2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có sáng kiến nào nhằm thúc đẩy cộng đồng phụ nữ ASEAN phát triển, thưa bà?
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất lấy vấn đề an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái làm chủ đề xuyên suốt của hội nghị, cũng là chương trình hành động và mục tiêu hướng đến của cộng đồng ASEAN. Đây là sáng kiến quan trọng, nhận được sự ủng hộ tích cực của các quốc gia thành viên. Sau nhiều cuộc đối thoại, thảo luận, các bên thống nhất đẩy nhanh tiến độ bình đẳng giới; thúc đẩy lồng ghép nội dung về giới trong tất cả các lĩnh vực phát triển; hướng tới chấm dứt tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái…
Để hiện thực hóa mục tiêu, các nước trong khu vực sẽ phối hợp đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN phù hợp với sự biến đổi liên tục của giáo dục nghề nghiệp. Các quốc gia cũng tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc hoàn thiện luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tới mọi đối tượng...
- Trân trọng cảm ơn bà!