Ngày thứ hai Quốc hội chất vấn: Tổng số nợ thuế hiện nay gần 83.000 tỷ đồng

Chính trị - Ngày đăng : 07:51, 31/10/2018

(HNMO)- Sáng nay (31-10), phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ hai với nhiều vấn đề nóng được chất vấn. 

11:59 31/10/2018

Như vậy, trong phiên chất vấn sáng nay, gần như các Bộ trưởng đều có cơ hội đăng đàn, với các vấn đề nóng nhất, được dư luận quan tâm như vụ giải cứu nông sản, dự thảo quy định liên quan đến sinh viên, cho thuê bằng dược sĩ, tỷ lệ xử lý tội phạm, hiệu quả dự án BT, BOA, sử dụng vốn ODA. Quốc hội tạm nghỉ lúc 11h30 và sẽ bắt đầu phiên chất vấn chiều lúc 14h.

11:37 31/10/2018

Giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót trong quản lý đất đai sau cổ phần hoá?

ĐB Quách Thế Tản và ĐB Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) nêu chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót trong quản lý đất đai sau cổ phần hoá DN nhà nước và biện pháp quản lý hoá đơn trong các giao dịch, mua bán.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hiện có gần 40 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực đất đai, môi trường. Một trong những nguyên nhân khiến khiếu kiện đất đai là có sự tản mạn về văn bản pháp luật, Bộ trưởng sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu như thế nào với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vấn đề nêu trên?

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Thời gian qua, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta như xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước… Bộ có giải pháp, chương trình hành động cụ thể nào để ứng phó với những mối đe dọa trên?

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao và Du lịch về liên kết hỗ trợ giữa các địa phương trong phát triển du lịch vùng Đông Bắc; trách nhiệm của Bộ trưởng trong phát huy giá trị di sản truyền thống các dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một, biến dạng.

11:33 31/10/2018

Dự án Đạm Ninh Bình có 3 nhiệm vụ chưa thực hiện được

Về dự án Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết về dự án này có 8 nhiệm vụ Chính phủ đã giao, trong đó có 5 nhiệm vụ đã thực hiện và 3 nhiệm vụ chưa thực hiện được, trong đó, có nhiệm vụ chưa thực hiện được liên quan tới kiểm toán. Cả Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nhà nước không thể kiểm toán được bởi công tác quyết toán dự án đầu tư Đạm Ninh Bình chưa thực hiện do vướng mắc giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Tranh chấp kéo dài trải qua nhiều giai đoạn lãnh đạo nên các vấn đề như chạy thử, cung cấp than, chi phí thiết bị... chưa thể thống nhất, có khả năng phải xử lý bằng pháp lý tại tòa.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan và có phương án thực hiện quyết toán, trong quá trình vận hành sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm hiệu quả hoạt động.

11:31 31/10/2018

 Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của cơ sở sản xuất thuốc

Trả lời câu hỏi của đại biểu về quản lý thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn về quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng thuốc. Theo thông tư này, việc quản lý, đăng ký thuốc nhập khẩu sẽ chặt chẽ hơn. Những cá nhân, tổ chức kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả sẽ bị xử phạt nặng hơn, cả phạt hành chính lẫn hình sự.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để tăng cường quản lý chất lượng thuốc, Bộ đề xuất tăng cường các biện pháp hậu kiểm, kiểm tra ngẫu nhiên, lấy mẫu nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm; công tác thanh kiểm tra phối hợp chặt chẽ giữa uỷ ban quốc gia, Bộ Công an và địa phương để phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng…

Đối với những thuốc nhập khẩu, nếu có nghi ngờ chất lượng, Bộ sẽ cử cán bộ đến tận cơ sở sản xuất để kiểm tra. Việc làm này tuy khó nhưng Bộ sẽ nỗ lực thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ quan điều tra phối hợp xử lý hành chính và hình sự nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm. “Đây là vấn nạn không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới, ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Về việc bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đây là một “chân” yếu của hệ thống khám chữa bệnh, cần phải củng cố và cần được thực hiện đổi mới đồng bộ, toàn diện bằng các biện pháp như: phân bổ cán bộ từ cấp trung ương đến cơ sở, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, tranh thủ các nguồn viện trợ, thay đổi mô hình y tế cơ sở…

11:26 31/10/2018

 Năm nay, giao ngân sách đồng thời với giao tinh giản biên chế

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về cải cách bộ máy, tinh giản biên chế ở Trung ương còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, hiện có 22 bộ và 4 cơ quan ngang bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ để sắp xếp cơ cấu tổ chức của mình, chỉ còn duy nhất Bảo hiểm Xã hội đang chờ sửa đổi Nghị định 10 về cơ cấu tổ chức.

Các cơ quan phải sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong bộ máy của mình. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhiều bộ, ngành thực hiện sắp xếp như Bộ Công an đã giảm các tổng cục. Thời gian qua đã giảm được 4 tổng cục, 10 vụ; Bộ Nội vụ từ 6 đơn vị đào tạo đã giảm còn 2 đơn vị.

Bộ đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 123 về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, nhằm tránh trùng lặp về chức năng của các đơn vị và thu gọn đầu mối. Giải pháp tiếp theo là xây dựng lại đề án vị trí việc làm cho phù hợp với điều kiện và chức năng nhiệm vụ mới, trên cơ sở đó xác định biên chế.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, năm nay Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thống nhất thực hiện cương quyết chỉ tiêu tinh giản biến chế là giao ngân sách đồng thời với giao tinh giản biên chế.

11:16 31/10/2018

Toàn quốc có 224.990 người nghiện có hồ sơ kiểm soát

Trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Văn Liên (Long An) về tội phạm ma tuý, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tội phạm ma tuý đang là vấn đề đáng lo ngại vì người nghiện tiếp tục gia tăng. Toàn quốc hiện có 224.990 người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế con số này lớn hơn nhiều. Công tác lập hồ sơ đối tượng cai nghiện rất khó khăn do quy trình thủ tục đặt ra. Hiện mới có 10% người nghiện được đưa vào cai nghiện tập trung. Số người nghiện là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào nước ta chưa đạt được mục tiêu, hiệu quả như mong muốn.

Một số giải pháp cần triển khai đồng bộ được Bộ trưởng nêu ra là tham mưu tổng kết thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị; tham mưu sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma tuý và các văn bản pháp luật có liên quan; phối hợp chặt chẽ với các ngành trong quản lý, giám sát người nghiện tại gia đình, cộng đồng dần cư; tập trung triển khai các giải pháp nghiệp vụ triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý....

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

11:11 31/10/2018

Tiếp tục tranh luận về an toàn thực phẩm và giáo dục

ĐB Lê Thanh Tùng (Hải Phòng) tranh luận về vấn đề quản lý thức ăn đường phố và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai sản xuất theo mô hình Vietgap, Globalgap, giám sát chất cấm trong chăn nuôi nhưng việc kiểm soát môi trường đất, nước cho trồng trọt chưa rõ, việc quản lý truy xuất nguồn gốc tại các chợ còn nhiều vướng mắc. ĐB đề nghị các bộ tiếp tục quan tâm về vấn đề này.

ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đắc Lắc) tranh luận với ĐB Minh Hiền (Phú Yên) về những góp ý với ngành giáo dục, phản ánh về hạn chế, tiêu cực. ĐB Thanh Xuân chưa đồng ý với ý kiến của ĐB Minh Hiền cho rằng, đây là nguồn năng lượng tiêu cực đối với xã hội. Theo ĐB Thanh Xuân, cần ghi nhận những nỗ lực và thành tựu của ngành giáo dục trong thời gian qua để có đánh giá khách quan, toàn diện.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - đoàn Đắc Lắc.

11:09 31/10/2018

Xử lý thuốc giả thế nào, khám BHYT sao cho hiệu quả?

ĐB Hoàng Văn Liên (Long An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công An: Tội phạm ma túy tăng nhanh, cả nước có nhiều người nghiện ma túy, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy không chỉ diễn ra ở đô thị mà còn ở khu vực nông thôn, miền núi, nhiều cử tri cho rằng cần mọi biện pháp để giảm tình trạng này, Bộ trưởng có đồng ý? Giải pháp căn cơ trong thời gian tới là gì?

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tiếp tục cải cách bộ máy tinh gọn có nhiều kết quả bước đầu tích cực nhưng mới tinh giản ở cơ sở, địa phương; ở Trung ương còn hạn chế. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này? Giải pháp quyết liệt sắp tới?

ĐB Hoàng Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về tình trạng chất lượng của thuốc, tình hình thuốc giả và thuốc kém chất lượng còn tràn lan khiến nhiều người dân lo lắng. Động thái của Bộ Y tế trong việc xử lý vấn đề này thế nào? Cơ chế bồi thường cho người dân khi dùng thuốc kém chất lượng ra sao?

ĐB Hoàng Khánh Phong Lan cũng chất vấn về vấn đề BHYT cần phải có đánh giá cụ thể về việc sử dụng BHYT. Làm thế nào để người dân nghèo có thể khám BHYT chất lượng?

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VH-TT&DL… về việc cắt giảm 50% thủ tục đăng ký kinh doanh, các bộ trưởng đánh giá thực trạng về kết quả của việc này?

ĐB Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công Thương về một tập đoàn hoá chất chưa thực hiện theo đúng quy định, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm về vấn đề này?

10:59 31/10/2018

 Chất vấn phân bón giả xuyên qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tranh luận với Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí xung quanh vụ việc phân bón giả Thuận Phong. Theo đại biểu, đây là vụ việc cụ thể nhưng liên quan trên 70% dân số Việt Nam là nông dân, điển hình cho nạn sản xuất phân bón giả, gây hại cho nông dân. Đây cũng là vụ việc được chất vấn xuyên qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình có ý kiến đề nghị đại biểu không tiếp tục tranh luận vì vụ việc đang trong quá trình điều tra.

"Vừa rồi có thông tin Công an Đồng Nai khi làm việc với Ban Nội chính Trung ương đã đề nghị khép lại vụ việc trên nên dư luận lại ồn ào" - Đại biểu nêu và đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao nên có trách nhiệm đến cùng với vụ việc này.

Về tranh luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí có báo cáo bằng văn bản.

Tiếp tục tranh luận về vụ phân bón Thuận Phong, ĐB Lê Thanh Vân (Hải phòng) cho rằng, căn cứ vào những thông tin mình có được, cũng như báo cáo của Phó Thủ tướng tại Kỳ họp thứ tư đã thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm với pháp nhân Thuận Phong. 

Viện trưởng nắm trong tay "thượng phương bảo kiếm" đây là vụ việc gây bức xúc rất lớn, tác động tới hàng triệu nông dân Việt Nam, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, các chứng cứ cấu thành tội phạm khá rõ nên mong Viện trưởng sớm xử lý vụ việc, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương.

10:56 31/10/2018

Hai dự án bauxite tại Tây Nguyên đủ điều kiện để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị

ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) tranh luận về 2 dự án bauxite tại Tây Nguyên cho biết, theo nguyên tắc, đây là 2 dự án thí điểm, sau khi đạt yêu cầu mới triển khai tiếp. Năm 2011, Quốc hội giám sát 5 yêu cầu của Bộ chính trị đưa ra đối với 2 dựa án này, bao gồm đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường, văn hóa-xã hội, giao thông và hiệu quả kinh tế. Dự án Tân Rai đã đạt công suất thiết kế và dự án Nhân Cơ năm nay sẽ đạt công suất thiết kế. Có thể nói, 2 dự án này đủ điều kiện để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn - đoàn Quảng Ninh.

Nhóm PV HNMO