Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn

Chính trị - Ngày đăng : 13:54, 31/10/2018

(HNMO) - Chiều 31-10, mặc dù không có tên trong danh sách trả lời chất vấn kỳ này, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn đăng đàn Quốc hội, thông tin về vấn đề môi trường không gian mạng và sim "rác".

17:23 31/10/2018

Sau loạt câu hỏi của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố kết thúc ngày thứ hai tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Ngày làm việc cuối cùng của hoạt động này sẽ bắt đầu từ 8h sáng mai (1-11).

16:59 31/10/2018

Những câu hỏi chất vấn cuối cùng trong chiều nay

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận lại Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng mọi hoạt động không gian mạng phải được đối xử công bằng như với không gian truyền thống. Đối với việc vu khống, bôi xấu, Luật an ninh mạng đã có nhiều biện pháp cụ thể để bảo vệ.

Về vấn đề “sim rác”, theo ĐB Thanh Hồng, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn, dù mức độ giảm hơn. Vấn đề ở đây là các DN có đồng hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hay không? 

Chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, hiện nay, việc bình xét, xúc phạm nhân phẩm người khác trên môi trường mạng đang diễn ra và cần phải được xử lý. Thực tế, các ĐBQH cũng là nạn nhân. Đề nghị Bộ Công an trả lời về việc xử lý vấn đề này? ĐB cũng đặt vấn đề về việc xử lý triệt để tình trạng “sim rác”.

ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng thì việc thanh toán không dùng tiền mặt là biện pháp hết sức quan trọng. Ngân hàng nhà nước cho biết, dự án thanh toán không dùng tiến mặt đến năm 2020 đang được thực hiện như thế nào?

ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận): Thứ nhất, vấn đề xử lý tro nhiệt điện tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường. Về việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng tro sỉ, có một số nội dung được thông báo sẽ ban hành trong tháng 7 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là gì? Thứ hai, cử tri rất bức xúc về vấn đề lãng phí sách giáo khoa. ĐB đặt câu hỏi về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp cho vấn đề này?

ĐB Châu Bình Giao (Long An): Chất lượng vệ sinh trường học và tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học rất quan trọng nhưng các vị trí việc làm như nhân viên bảo vệ, nhân viên tạp vụ chưa được chi trả lương từ ngân sách nhà nước. Đây có phải là một nghịch lý?

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu chất vấn về nạn làm giả hồ sơ bệnh tâm thần có dấu hiệu trầm trọng hơn, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống tội phạm. Đại biểu mong các bộ trưởng nêu trách nhiệm trong việc xử lý hiện tượng này. 

BĐ Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận): Tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng là vấn đề cử tri bức xúc. Những vấn đề này đã nhiều lần được báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội nhưng tình trạng này chưa chấm dứt, Thủ tướng Chính phủ có thể làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp đột phá để chấm dứt tình trạng trên?

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về những tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ. Nhiều ngành, địa phương để xảy ra sai phạm trong luân chuyển án bộ nhưng chưa có vị trưởng ngành và lãnh đạo địa phương nào chịu trách nhiệm. Xin Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về vấn đề này?

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp căn cơ để xử lý các cơ sở gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trên thực tế, còn một số cơ sở gây ra sự cố hoặc tiềm ẩn sự cố, bị thanh tra xử phạt hàng năm, thậm chí bị xử phạt suốt 4-5 năm, mà vẫn không bị đóng cửa.

ĐB Phạm Đình Cúc - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu

ĐB Châu Bình Giao - đoàn Long An

16:48 31/10/2018

Thời điểm rút "thẻ vàng" sẽ chờ vào đánh giá từ phía EU


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi về việc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng "thẻ vàng" với thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam. 


Bộ trưởng cho biết, ngày 23-10-2017, Việt Nam chính thức bị EU bị rút thẻ vàng với 9 nội dung khuyến nghị. Những nội dung này cũng trùng hợp với những nhiệm vụ mà Việt Nam cần hoàn thành để xây dựng, phát triển nghề cá bền vững. Quốc hội cũng đã đồng tình thông qua Luật Thuỷ sản, trong đó lồng ghép 9 nội dung này.

Sau khi có Luật, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động tháo gỡ "thẻ vàng". 28 tỉnh duyên hải, các bộ, ban, ngành, ngư dân, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng tham gia. Chủ tịch tỉnh có trách nhiệm không để ngư dân đánh bắt sai phạm ở ngoài vùng biển quy định; ngư dân, thuyền trưởng, thuyền viên đánh bắt về phải khai báo với cảng cá; nâng cấp cơ sở vật chất...

Sau hơn một năm thực hiện tất cả quy định mà phía EU khuyến nghị, nhiều vi phạm đã không còn. Tuy nhiên, còn một bộ phận ngư dân chưa kịp thay đổi tập quán nên vẫn còn vi phạm và cơ sở vật chất chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững.

Tháng 5-2018, EU đã cử cán bộ sang giám sát, ghi nhận nỗ lực chính trị của Việt Nam và cũng thống nhất, việc khắc phục cần quá trình. Hiện có 5 nội dung, Việt Nam vẫn còn tồn tại. 


Về thời điểm rút "thẻ vàng", Bộ trưởng cho biết sẽ phụ thuộc vào đánh giá từ phía EU.

Với chất vấn về giải pháp ứng phó đối với dịch tả châu Phi, Bộ trưởng cho biết, đây là là loại dịch nguy hiểm vì dịch này nếu xuất hiện, tỷ lệ đàn lợn nhiễm có nguy cơ chết lên tới 100%; dịch tả này không có vắc xin; virus lưu tồn ở tự nhiên trong thời gian dài. Hiện nay, dịch đã xuất hiện tại Trung Quốc nên nguy cơ xảy ra ở Việt Nam là rất cao. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện chỉ đạo xây dựng kế hoạch ngăn chặn không để cho dịch vào; tuyên truyên để các chủ trang trại và người chăn nuôi có ý thức phòng ngừa; yêu cầu các tỉnh thực hiện tổng vệ sinh trên toàn quốc nhằm giảm ô nhiễm môi trường và khả năng lây lan bệnh; ngành Nông nghiệp tập trung 8 phòng thí nghiệm với đủ trang thiết bị để khi dịch xảy ra, có thể phân định, giám sát, phòng trừ.


“Chúng ta rất ý thức và có hành động quyết liệt, đồng bộ giữa cơ quan chuyên môn, các tỉnh, địa phương để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

16:42 31/10/2018

Hà Nội dẫn đầu cả nước về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tính đến hết nhiệm kỳ trước, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được trên 94,6%; nhiệm kỳ này đặt mục tiêu cấp sổ đỏ đạt 100%. Gần 6% chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng nhiều vấn đề, gây chậm trễ. Sau khi Bộ tập trung thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của chính quyền các địa phương thì trong chưa đầy 2 năm qua, đã có thêm 3,7 triệu giấy chứng nhận được cấp, chỉ còn lại chưa đầy 2% là chưa được cấp giấy.

Để nhanh chóng hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho số còn lại, Bộ trưởng kiến nghị cần phối hợp liên thông thủ tục giữa hai bộ là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính.

Bộ trưởng cũng thông tin, Hà Nội đã công bố cuối năm nay hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 100%. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước và Bộ trưởng tin tưởng, các tỉnh, thành khác sẽ thực hiện được mục tiêu này.

16:35 31/10/2018

Sẽ có bộ sách giáo khoa chính thức từ năm học 2020-2021

Trả lời câu hỏi về việc đổi mới sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những mục tiêu đổi mới sách giáo khoa là giảm tải việc học cho học sinh và giáo viên. Cho đến nay, Ban soạn thảo đã bám sát yêu cầu này khi soạn thảo sách.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chuẩn bị sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị trường, lớp theo tinh thần rất thận trọng. Việc đổi mới lần này liên quan đến nhiều việc nên công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu đều phải chu đáo, thận trọng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, thời gian áp dụng bộ sách giáo khoa mới là từ năm 2020-2021 - đây sẽ là khoảng thời gian đủ để Bộ và các địa phương thực hiện chương trình một cách tốt nhất. Khi đã triển khai thực hiện, đây sẽ là bộ sách chính thức, không có thí điểm nữa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

16:34 31/10/2018

Bộ trưởng Bộ Y tế nói về các phòng khám đa khoa khu vực

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) về việc dừng khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam có các tuyến: Bệnh viện tuyến trung ương-bệnh viện tỉnh-bệnh viện huyện-trạm y tế xã và phòng khám đa khoa. Do nhu cầu, những xã ở xa bệnh viện huyện đã hình thành một nấc trung gian là phòng khám đa khoa khu vực thuộc bệnh viện huyện, chủ yếu để khám và điều trị vào ban ngày. Nhiều địa phương cho rằng nên xóa phòng khám này vì phải đầu tư nhiều.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam  cũng đề nghị không thanh toán điều trị nội trú cho phòng khám đa khoa khu vực bởi phòng khám chỉ để khám, nếu nặng thì phải điều trị ở bệnh viện huyện. Bộ Y tế hiện vẫn cho phép khám và điều trị nội trú ở những phòng khám đa khoa này nhưng qua kiểm tra cho thấy, một số phòng khám không đủ điều kiện để duy trì.

“Tuy nhiên, tùy thẩm quyền, sở y tế địa phương thẩm định, nếu có nhu cầu thực sự, có đủ người và trang thiết bị thì vẫn duy trì mô hình này, đồng thời làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh đó để làm rõ về cơ chế thanh toán”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

16:31 31/10/2018

 Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông "ra mắt" Quốc hội

Lần đầu tiên "đăng đàn" trước Quốc hội khi vừa nhậm chức cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có phần trả lời ngắn gọn nhưng rõ nét, đầy đủ với hai câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).

Về những thông tin sai trên mạng xã hội, Bộ trưởng cho biết, đó là câu chuyện toàn cầu, với cả nước nhỏ lẫn nước lớn. Việt Nam sống trên không gian mạng chưa lâu, chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng có thể áp dụng một số logic trong đời sống thực vào không gian ảo để xử lý câu chuyện thông tin sai.

Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp để xử lý, gồm:

- Định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật, vì vậy, phải sửa một số quy định pháp luật.

- Phải có công cụ giám sát, phân tích, đánh giá và phải dùng công nghệ. Mỗi ngày trên mạng xã hội có hàng trăm triệu thông tin nên không thể dùng con người để giám sát. Bộ đã bước đầu xây dựng trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có thể đọc được hàng trăm triệu tin mỗi ngày và phân tích, đánh giá, phân loại.

- Phải có công cụ quét rác. Đây là giải pháp vừa liên quan đến pháp luật, vừa liên quan đến công nghệ; giao một đầu mối xử lý việc này và kỹ thuật công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được nhiệm vụ này.

"Cái khó của chúng ta là có những mạng xã hội xuyên biên giới, cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, phải mạnh tay yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt các yêu cầu gỡ bỏ thông tin. Ngoài ra, phải có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng. Mạng xã hội không phải ảo nữa, mà là thật, nên không được bỏ trống trận địa này. Cái tốt lớn lên thì cái xấu sẽ giảm đi. Do đó, phải truyền thông cho người dân nhận diện cái đúng - cái sai, cái tốt - cái xấu trên không gian mạng", Bộ trưởng nói.

Về việc xử lý sim rác, theo Bộ trưởng, cái gốc và biện pháp căn cơ là phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân chính xác. Vừa qua, chúng ta chưa căn cơ được nhưng đã có nhiều biện pháp quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, để căn cơ thì phải xây dựng dữ liệu công dân, không chỉ phục vụ cho quản lý sim mà nhiều lĩnh vực khác nữa.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

16:24 31/10/2018

Tinh giản biên chế gây áp lực lớn cho ngành Tòa án

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề tinh giản biên chế ngành tòa án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2012, biên chế của ngành là hơn 15.000 người. Sau 6 năm, số lượng công việc đã tăng gấp đôi trong khi biên chế không tăng, thậm chí đến năm 2020 sẽ phải giảm 1.200 người. Chánh án thừa nhận, đây là áp lực và gánh nặng lên vai các thẩm phán là rất lớn.

Để giảm bớt áp lực, ngành Tòa án đã thực hiện các biện pháp tăng cường hòa giải, đối thoại trong các vụ án hành chính, dân sự. Biện pháp này đã được thực hiện thí điểm ở 16 tỉnh, thành và sẽ được triển khai trong toàn quốc.

16:12 31/10/2018

Thiếu kiểm tra thường xuyên trong tuyển dụng giáo viên

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) về tuyển dụng, điều chuyển giáo viên tại nhiều địa phương còn nhiều bất cập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trách nhiệm của Bộ Nội vụ là phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tiêu chuẩn định mức biên chế giáo viên. Thời gian qua, hai bộ đã xây dựng các thông tư liên tịch và hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp với giáo dục mầm non và giáo dục công lập. Bộ Nội vụ có chức năng xây dựng quy định nhà nước về việc tuyển dụng, sử dụng viên chức nói chung, trong đó có giáo viên.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhận trách nhiệm trong việc tổ chức kiểm tra chưa thường xuyên nên vẫn còn xảy ra tình trạng thực hiện hợp đồng chuyên môn, trong khi biên chế chưa được sử dụng hết. Chính phủ mới ban hành Nghị định 127, có hiệu lực từ tháng 11-2018, quy định rõ về quản lý nhà nước của ngành Giáo dục, phân cấp cụ thể cho từng cấp, ngành. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, bộ, ngành sớm ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định.

15:58 31/10/2018

Đại biểu chất vấn về môi trường mạng, đánh bắt thuỷ hải sản

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên): Công tác tuyển dụng, điều động giáo viên hiện này còn nhiều bất cập, gây xáo trộn, bức xúc. Bộ Nội vụ cho biết trách nhiệm của Bộ và địa phương về vấn đề này? 

ĐB Lưu Văn Đức (Đắc Lắc) gửi câu hỏi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Thời gian qua tồn đọng lớn các loại án trong khi sắp tới, ngành sẽ giảm hơn 100 biên chế. Việc tinh giản biên chế này liệu có ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của ngành? 

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Lâu nay trên mạng xã hội, có cá nhân cho mình quyền nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm. Sau buổi lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, nhiều cá nhân đã xúc phạm một số vị trưởng ngành. Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, có thấy cần và có thể xử lý được tình trạng này không? ĐB gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin –Truyền thông: Nạn sim rác đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại, liệu có chấm dứt được tình trạng này?

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo. Từ đầu năm 2018, Bộ Y tế dừng tiếp nhận điều trị trị bệnh nhân tại phòng khám đa khoa khu vực dẫn nhiều bệnh nhân nghèo và người dân tộc không khám chữa bệnh được, ý kiến của Bộ trưởng với mô hình này? Đổi mới chương trình sách giáo khoa phải đảm bảo giảm áp lực nhưng việc thí điểm cho thấy không giảm mà tăng thêm. Năm nay có 50 địa phương thực hiện thí điểm SGK lớp 1, hơn 10 địa phương không thực hiện vì cho rằng chỉ dành cho địa phương có học sinh khó khăn trong tiếp cận tiếng Việt, liệu có thực hiện được lộ trình như Nghị quyết 33 của Quốc hội không?

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Hiện liên minh châu Âu áp dụng “thẻ vàng” trong việc cảnh báo đối với những nước vi phạm khi đánh bắt thuỷ hải sản. “Thẻ vàng” từng được áp dụng đối với 25 nước, đến nay còn 9 nước, trong đó có Việt Nam. Xin hỏi Bộ trưởng, vì sao Liên minh châu Âu chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thuỷ hải sản của Việt Nam?

ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về dịch tả châu Phi diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam ứng phó thế nào với dịch bệnh này?

ĐB Nguyễn Thị Lan cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TN&MT về giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận sổ đỏ cho người dân.

ĐB Trần Thị Dung - đoàn Điện Biên

Nhóm PV HNMO