Anh muốn tham gia thỏa thuận CPTPP sau khi rời Liên minh châu Âu
Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 01/11/2018
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Fox viết: “Tôi rất vui khi biết những thông tin mới về TPP ngày hôm nay - một cột mốc trong quá trình phát triển thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc".
Mặc dù chưa phải là một thành viên CPTPP, nhưng Anh vẫn bày tỏ ý muốn tham gia thỏa thuận này sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Bộ trưởng Fox cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Australia Scott Morrison đã ủng hộ Anh gia nhập CPTPP.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30-12, sau khi Australia ngày 31-10 chính thức thông báo đã phê chuẩn hiệp định này, trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn hiệp định.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh, CPTPP "là một trong những thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất" trong lịch sử gần đây của nước này. Thỏa thuận này sẽ giúp các doanh nghiệp Australia tăng trưởng và mỗi năm đóng góp tới 15,6 tỷ đôla Australia (tương đương hơn 11 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2030.
Chính phủ New Zealand - nước chịu trách nhiệm tiếp nhận thông báo của từng thành viên tham gia CPTPP, cho biết đã nhận được thông báo của Australia về việc chính thức thông qua hiệp định, cùng với New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Như vậy, CPTPP đã được sáu nước tham gia phê chuẩn, đủ để hiệp định có hiệu lực sau 60 ngày theo quy định.
Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand David Parker nêu rõ, việc Australia phê chuẩn CPTPP đã khởi động giai đoạn 60 ngày để hiệp định này đi vào hiệu lực và các nước thành viên thực hiện đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên. Ông nhấn mạnh, tầm quan trọng của CPTPP đã gia tăng trong những tháng gần đây trước “sự leo thang của các biện pháp bảo hộ thương mại trên thế giới".
Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, chậm lại.
Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì các nước đang phát triển có thể tăng thu nhập ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo.
CPTPP - tên gọi trước đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.