Nêu gương - nguồn sức mạnh to lớn

Chính trị - Ngày đăng : 06:17, 01/11/2018

LTS: Ngày 25-10-2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Thành ủy Hà Nội luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện tốt hai Quy tắc ứng xử và tự giác nêu gương cho nhân dân noi theo. Ảnh: Viết Thành


Bài đầu: Tự giác học trước, làm theo trước

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Nhưng để làm được mực thước, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có năng lực tư duy, năng lực hành động và đặc biệt là sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương cho quần chúng nhân dân.

Nêu gương trong cả ba mối quan hệ

Suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về mối liên hệ giữa năng lực lãnh đạo và sự nêu gương. Người đã đúc kết thành những lý luận về vai trò và ý nghĩa của nêu gương mà cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Theo Người, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ở cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc. Đối với mình phải không tự cao, tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, không lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc để việc công lên trên, lên trước việc tư (“dĩ công vi thượng”).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương làm gương thì phải làm về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Muốn làm được thì phải quyết tâm và đồng tâm; đặc biệt là phải thực hiện “nói đi đôi với làm”...

Không phải việc cao siêu

Đảng bộ phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) tổ chức Hội thi Tiểu phẩm “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưỏng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: Thanh Xuân


Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của việc nêu gương, những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, khơi dậy các phong trào nêu gương trong Đảng và xã hội. 12 năm qua, Bộ Chính trị các khóa X, XI, XII ban hành Chỉ thị số 06-CT/TƯ, Chỉ thị số 03-CT/TƯ và Chỉ thị số 05-CT/TƯ nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng cũng ban hành một số quy định cụ thể như: Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Mới đây nhất, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, việc thể hiện trách nhiệm nêu gương chính là nghiêm túc tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người, thì nhất định Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, khắc phục được những nguy cơ của một Đảng cầm quyền, giữ gìn được bản chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng, tiếp tục được nhân dân tin yêu, ủng hộ”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải việc làm cao siêu, mà rất gần gũi, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị và sinh hoạt hằng ngày. Phương châm thực hiện là trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương cho quần chúng nhân dân.

Ở mỗi bộ, ban, ngành, địa phương, việc nêu gương lại được cụ thể hóa thành các quy định, chuẩn mực đạo đức phù hợp với tính chất, đặc thù công việc giúp cho cán bộ, đảng viên dễ thực hiện và thực hiện hiệu quả. Tại Hà Nội, Thành ủy yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: “Nếu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không gương mẫu thì không thể hướng dẫn người dân thực hiện”. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nếu chú tâm, đây không phải là việc khó.

Sức mạnh của Đảng nằm ở mỗi cán bộ, đảng viên; còn sức mạnh của cán bộ, đảng viên là khả năng nêu gương, làm mực thước cho nhân dân noi theo. Nêu gương không những là nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên mà còn là cơ hội để mỗi người hoàn thiện bản thân mình.

(Còn nữa)

Võ Lâm - Hương Ly