Ngày cuối cùng Quốc hội chất vấn: Nhiều vấn đề nóng được tranh luận, "mổ xẻ" đến cùng
Chính trị - Ngày đăng : 07:51, 01/11/2018
11:46 01/11/2018
Sau hàng loạt chất vấn, tranh luận của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố kết thúc phiên chất vấn buổi sáng. Bắt đầu từ 14h chiều nay, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.
Đáng chú ý, từ 15h50 đến 16h35, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cuối giờ chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
11:45 01/11/2018
Cuối giờ sáng, đại biểu sôi nổi chất vấn và tranh luậnĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) chất vấn Bộ LĐ-TB&XH về vi phạm pháp luật về BHXH. Theo đại biểu này, tổng số tiền nợ BHXH là 1.003 tỉ đồng với 59 ngàn lao động. Vì sao luật BHXH có hiệu lực gần 3 năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề? Trách nhiệm của Bộ đến đâu?
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) tranh luận Bộ trưởng Bộ GTVT về dự án cầu Vàm Cống. Xin hỏi bộ trưởng thuê tư vấn nước ngoài, chi phí ai phải trả? Việc khắc phục sự cố do quan đơn vị nào chịu trách nhiệm?
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) tranh luận với Bộ NN&PTNT về việc đời sống nông dân có rất khó khăn. Vấn đề hiện nay là làm sao quan tâm đến năng suất tại các hộ nông nghiệp và việc triển khai ứng dụng KHCN tại các hộ nông dân. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
ĐB Trần Kim Yến (TP Hồ Chí Minh) đề cập tới sự phiền toái trong giao dịch sử dụng căn cước công dân. Theo ĐB, Bộ Công an đã công bố mẫu căn cước công dân mới nhưng vẫn chưa giảm phiền hà cho người dân. Trong câu hỏi thứ hai, ĐB chất vấn về sự thiếu quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia và đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu giải pháp về vấn đề này?
ĐB Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) đặt câu hỏi về kết quả thực hiện sự chỉ đạo trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý ngoại tệ, thị trường vàng... và giải pháp trong thời gian tới để huy động nguồn vốn trong dân? Vấn đề thứ hai, ĐB chất vấn về tỷ lệ vốn vay trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, các dự án BT, BOT...và vấn đề sở hữu chéo trong các ngân hàng thương mại hiện nay như thế nào?
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi có bao nhiêu văn bản trái pháp luật được ban hành liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân? Trong câu hỏi thứ hai gửi tới Thủ tướng, ĐB đề nghị cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp về vấn đề dân vận chính quyền khi năm 2018 được chọn là năm dân vận chính quyền.
ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội về việc có nên xây dựng luật người có công không? Và nếu chưa có Luật thì cần phải sửa đổi pháp lệnh về người có công như thế nào để khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay trong thủ tục công nhận và chế độ cho người có công
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình): tranh luận Bộ trưởng Bộ Công thương về tiến độ xử lý các dự án thua lỗ. ĐB cũng đề nghị Quốc hội bố trí thời gian cho Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng thanh tra Chính phủ trả lời thêm về tiến độ xử lý sai phạm tại 12 dự án.
Với câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản và chuyển tới đại biểu.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ Y tế: Theo truyền thông phản ánh, nhiều bệnh viên kê đơn thuốc có nhiều sai sót, có bệnh viên kê sai sót lên tới 90%, nhiều bệnh viên kê vitamin, thuốc biệt dược không cần thiết chiếm tỷ lệ 66%, trách nhiệm của Bộ trưởng để xảy ra tình trạng trên? Bộ trưởng xử lý như thế nào với bệnh viện có sai phạm và với toàn ngành?
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bộ trưởng khẳng định tỷ lệ khu công nghiệp có xử lý nước thải là 80%, tôi có số liệu là 88%, số liệu của Bộ Kế hoạch-Đầu tư là 87%. Số liệu nào là chính xác? Chỉ tiêu này đã phản ánh được bức xanh về bảo vệ môi trường chưa? ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Điều 21 của Luật Giáo dục năm quy định phân hiệu đại học không có tư cách pháp nhân trong khi Thông tư của Bộ quy định phân hiệu có con dấu, có tài khoản, tức có tư cách pháp nhân. Thông tư của Bộ quy định như vậy có trái với Luật không?
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Số chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập quá lớn, trong đó trên 90% số giáo viên, giảng viên nằm trong biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo gánh nặng lớn cho nhà nước. Bộ trưởng cho biết các giải pháp Bộ trưởng tham mưu về tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục và bố trí đội ngũ giáo viên đã góp phần giải quyết vấn đề trên chưa ? Nếu chưa, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp nào khác để vừa tháo gỡ bất cập này và vừa giải quyết được bài toán thực tế về tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông?
ĐB Trương Phi Hùng (Long An) gửi bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 8-11-2013, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 2081 về việc cấp điện nông thôn phục vụ đời sống được bà con quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Long An và một số tỉnh khác chưa nhận được nguồn vốn về giải quyết điện nông thôn cho bà con. Trách nhiệm của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào? Dự án này có tiếp tục thực hiện nữa hay không? Nếu có tiếp tục thì thực hiện thế nào?
ĐB Trương Phi Hùng (Long An) cũng gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ứng dụng công nghệ thông tin cho khám bệnh chưa thực hiện tốt. Đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?
11:18 01/11/2018
45 tỉnh, thành đã phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố phóng xạ
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết về vấn đề đại biểu nêu, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xử lý quyết liệt. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để kiểm tra, đánh giá nguồn phế liệu nhập khẩu đầu vào.
Với những phế liệu có tính chất phóng xạ, hiện đã có 2 cảng Cát Lái - Thị Vải và Cái Mép có 8 cổng đo phóng xạ, trong khi sắt thép nhập vào nước ta có tỷ trọng cao đi qua hai cửa khẩu này.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có danh sách nhà nhập khẩu, sản xuất để quán triệt, triển khai thiết bị phát hiện phóng xạ. Bộ cũng đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng cùng kiểm tra, đánh giá và xử lý kịp thời.
Về chất vấn của ĐB về ứng phó với điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho hay Bộ đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc phóng xạ và ứng phó sự cố. Đúng là việc triển khai có sự chậm trễ. Tuy nhiên, sau đó Bộ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Từ năm 2017 đến nay đã triển khai được 5 điểm tại Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Hà Nội, đã thiết lập mạng lưới kết nối online về trực tiếp Bộ Khoa học và Công nghệ…
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch ứng phó quốc gia; 45 tỉnh, thành cũng đã phê duyệt ở địa phương mình. Bộ đã tham mưu để đầu năm tới có đề án ứng phó chủ động trong dài hạn về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. |
11:10 01/11/2018
Công tác điều tra, xử lý tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực
Trong phần tranh luận, ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đoàn Thái Nguyên) trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Đồng Nai) về đánh giá kết quả hoạt động của các cơ quan điều tra. Ủy ban Tư pháp đánh giá công tác điều tra, xử lý tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng điều tra chuyển biến rõ rệt,... Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tố giác tin báo vẫn đạt thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội (đạt 87,2%, chỉ tiêu của Quốc hội là 90%). Cũng theo ĐB Lê Thị Nga, số tin báo tố giác quá hạn là 3.368, chiếm tỷ lệ 2,8% trên tổng số tin báo.
|
11:04 01/11/2018
Nhiều đại biểu quan tấm đến vấn đề môi trường, khoa học công nghệĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) chất vấn về định hướng phát triển cây cao su, cây điều trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nêu câu hỏi về các giải pháp quản lý nguồn chất thải Việt Nam đang nhập khẩu để tái chế có nguy cơ nhiễm phóng xạ và khi nào mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ của nước ta hoàn tất?
ĐB Nguyễn Quyết Tâm (TP HCM) nêu chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp mạnh mẽ hơn để bộ máy chính phủ, các bộ ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Qua cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội cho thấy sự tín nhiệm, đánh giá của đại biểu cao thấp khác nhau với các thành viên của Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên Chính phủ.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Việc cấp chứng nhận về nhãn hiệu hàng hóa, logo sản phẩm, truy xuất nguồn gốc còn dài, có thể xem xét rút ngắn để tạo điều kiện cho người dân? Nhiều chương trình khoa học chưa được ứng dụng gây lãng phí. Nguyên nhân và giải pháp? Nguồn kinh phí cho khoa học hiện ra sao?
ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) chất vấn Phó Thủ tướng-Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia: Nguồn vốn ngân sách chủ yếu tập trung ở các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong khi những địa phương có điều kiện khó khăn số xã đạt chuẩn nông thôn mới rất thấp, đi ngược với mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này, có hay không thành tích trong nông thôn mới? Có sự lồng ghép giữa mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo bền vững? Biện pháp trong thời gian tới?
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) chất vấn Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quyết định 1788 không chỉ cho các đơn vị công ích như bệnh viện, trường học, bãi rác mà còn dành cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chỉ khác nhau nguồn xử lý. Việc chấp hành Pháp lệnh Bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng trách nhiệm quản lý môi trường bao gồm thanh tra, xử phạt, hậu kiểm thuộc về trách nhiệm của Bộ TNMT. Đối với những cơ sở gây ô nhiễm theo Quyết định 1788, tôi muốn Bộ trưởng chia sẻ thêm những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu? Đối với những cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cũng cần có biện pháp xử lý thế nào?
10:46 01/11/2018
Lĩnh vực an toàn thực phẩm có nhiều bước tiến
Trả lời các câu hỏi về an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ATTP là nội dung rất quan trọng, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội. Trong những năm qua, lĩnh vực này đã đạt được nhiều bước tiến. Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 42 triệu tấn nông sản thuộc nhóm thực vật đi 180 nước, trong đó bao gồm Nhật Bản, châu Âu, Mỹ,... chứng tỏ nông sản Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, ATTP là vấn đề lớn và khó, các bộ ngành có liên quan cần tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Về vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát huy hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp như sản xuất đúng quy trình, tăng cường giám sát tổ chức sản xuất để giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức chế biến tốt, tập trung công nghệ mới, tăng cường xử lý nước thải, phế thải... Bộ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp cần hướng tới việc phát triển các chuỗi giá trị sâu hơn, không chỉ tập trung vào sản phẩm chính mà còn chú ý các sản phẩm phụ để bảo vệ môi trường, giảm ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. |
10:45 01/11/2018
Đã có tiền cho GPMB của dự án đường cao tốc ở Quảng Ngãi
Trả lời câu hỏi của đại biểu về những dự án quan trọng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, những dự án quan trọng quốc gia mà Bộ GTVT thực hiện đều được kiểm toán, thanh tra chặt chẽ. Thời gian qua, Bộ đã tiến hành nâng cấp quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…
Về 112 cuộc thanh tra, kiểm toán có 60 cuộc là kiểm toán ngân sách nhà nước các dự án BOT để bảo đảm tính minh bạch. Việc thanh tra cũng tiến hành theo hai hình thức là thanh tra có kế hoạch và thanh tra đột xuất để bảo đảm việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước và sử dụng vốn xã hội hiệu quả. Bộ hoan nghênh các công tác thanh tra.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) về tiến độ cầu Vàm Cống, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, đây là một trong những cầu trọng điểm quốc gia ở đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Hàn Quốc, tư vấn thiết kế, thi công đều là nước ngoài. Trong quá trình hoàn chỉnh công trình, Bộ phát hiện một số yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng chất lượng nên đã tổ chức đấu thầu quốc tế xem xét nguyên nhân. Hiện Bộ đã trình phương án xử lý và nhà thầu Hàn Quốc đang sửa chữa. Theo kế hoạch cuối 2018 sẽ hoàn thành nhưng do còn phải sửa chữa nên dự kiến tháng 6-2019 sẽ tổ chức khánh thành cầu.
Liên quan đến đường cao tốc Quảng Ngãi mà đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là đường cao tốc trọng điểm nhất miền Trung. Thời gian qua có nhiều ý kiến liên quan đến chất lượng công trình, vấn đề GPMB… Liên quan đến GPMB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện đã có tiền cho GPMB, hiện Bộ đang đề nghị chính quyền địa phương tập trung cho GPMB để làm đường gom, nếu thực hiện chậm sẽ ảnh hưởng tới tiến độ.
Liên quan đến nhà dân bị nứt cần được đền bù, Bộ trưởng cho biết, đã có tiền cho việc đền bù người dân. Vấn đề là chính quyền địa phương phải kết hợp với Sở Xây dựng lập kế hoạch chi tiết đền bù cho người dân một cách nhanh nhất. Bộ GTVT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quản lý vốn thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiền - đoàn Lâm Đồng chất vấn. |
10:37 01/11/2018
Việc chậm thi hành án cũng còn do khâu xét xử, bản án khó khả thiTrả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) về việc nhiều bản án dân sự chưa được thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thực tế này.
Theo Bộ trưởng, thi hành án phụ thuộc vào khâu thẩm định, kê biên, giữ tài sản, tính khả thi của bản án, sự chủ động tích cực của những người thi hành án.
Việc chậm thi hành án cũng còn do khâu xét xử, bản án khó khả thi. Hiện có 291 bản án mà các cơ quan thi hành án hoặc đương sự cho rằng án tuyên không rõ, khó thi hành.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, về nguyên tắc, án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thi hành. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, có thể phát hiện điểm không khả thi nên đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kháng nghị bản án. Vì vậy, đương sự cũng cho rằng có oan sai và chống đối quyết liệt nên các địa phương chưa sẵn sàng trong công tác phối hợp.
Giải pháp được đưa ra là: Khâu xét xử cố gắng ra bản án khả thi; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án với cơ quan tòa án trong giải thích những việc chưa rõ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục các bên tự nguyện thi hành án, cử những chấp hành viên có trình độ chuyên môn cao nhất vào cuộc.
10:25 01/11/2018
Gian lận bảo hiểm đã được hình sự hoá
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu về quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn khi quyền lợi liên quan đến bảo hiểm của người lao động bị xâm phạm.
Chánh án nêu, bắt đầu từ ngày 1-1-2018, 2 hành vi gian lận bảo hiểm và trốn đóng bảo hiểm đã được hình sự hoá. Hành vi này được quy định là tội phạm tại Điều 214, 216 Bộ luật Hình sự. Do đó, toà án không được xử hành vi này theo trình tự dân sự. Quyền của người lao động được bảo vệ ở cấp độ cao nhất. Ai xâm phạm sẽ trở thành tội phạm.
Tổ chức công đoàn, mọi người dân, kể cả người lao động phát hiện DN nào vi phạm gian lận bảo hiểm, trốn bảo hiểm có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát để khởi tố điều tra.
Vì Luật mới đi vào cuộc sống nên từ tổng kết thực tiễn nếu xuất hiện những gì vướng mắc sẽ có hướng dẫn thêm.
10:21 01/11/2018
Kiểm toán Nhà Nước kiến nghị xử lý tài chính 91.000 tỷ đồng
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ và chuyển 12 bộ hồ sơ cho các cơ quan quản lý khác để xử lý theo pháp luật. Theo luật, kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính để xác nhận thông tin kinh tế, tài chính; kiểm toán việc tuân thủ pháp luật; kiểm toán hoạt động... Do vậy, Kiểm toán Nhà nước không có chức năng điều tra. Trong thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều kiến nghị để bịt lỗ hổng chính sách trong phòng chống tham nhũng như cơ chế BOT, BT, đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp... Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị về phòng chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm toán. Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 91.000 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 38.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 152 văn bản để tránh thất thoát về tài sản công.
Để tăng cường quản lý nội bộ, Kiểm toán Nhà nước đề xuất các giải pháp như sử dụng nhật ký online, thanh tra đột xuất, chấm điểm, bình bầu các tổ kiểm toán, tổ chức kiểm tra lại nếu phát hiện sai quy trình, nêu cao tính liêm chính, trung thực, bản lĩnh và chuyên môn của kiểm toán viên, cam kết nếu có thông tin phản ánh tiêu cực về kiểm toán viên sẽ kiểm tra và xử lý công khai.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. |