Chung tay vì quyền lợi người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 02/11/2018
Bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội giải quyết chế độ cho người lao động. |
Đề nghị khởi kiện 573 doanh nghiệp
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, trong thời gian qua, liên ngành: Công an thành phố, Liên đoàn Lao động, Thanh tra thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Sở Y tế, BHXH thành phố đã phát huy hiệu quả công tác phối hợp và đã đạt được những kết quả quan trọng. Liên ngành đã chủ động phối hợp, báo cáo, tham mưu Thành ủy, UBND thành phố kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để BHXH thành phố và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong cung cấp, trao đổi thông tin được đặc biệt chú trọng. BHXH thành phố đã phân tích, phân loại nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) gửi các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành, cơ sở Đảng để phối hợp đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; chuyển hồ sơ 573 doanh nghiệp, với số nợ 471,5 tỷ đồng đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động theo quy định pháp luật. Công an thành phố cung cấp dữ liệu dân cư làm cơ sở quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT và đồng bộ dữ liệu để cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của 29.386 đơn vị mới thành lập; danh sách 27.615 đơn vị ngừng, dừng sản xuất, kinh doanh, bỏ trốn, bị phong tỏa hóa đơn; 6.432 đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật BHXH, BHYT.
Liên ngành cũng làm việc với 10 doanh nghiệp nợ BHXH đã bị xử phạt hành chính về hành vi chậm đóng, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền nợ BHXH. Đến tháng 9-2018, 10 doanh nghiệp này đã khắc phục nộp số nợ là 10,746 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng số nợ. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH được đẩy mạnh. Liên ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ BHXH tại 3.673 doanh nghiệp (tăng 2.642 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017), thu hồi số tiền nợ BHXH 351,9 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9-2018, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.694 tỷ đồng, bằng 4,32% kế hoạch thu, giảm 423,2 tỷ đồng, tương đương 19,9% so cùng kỳ năm 2017.
Cần trao đổi thông tin giữa các ngành
Theo Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hòa, mặc dù tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh, song vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước; tỷ lệ tham gia BHXH của các doanh nghiệp còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động, người lao động chưa cao; vẫn còn một bộ phận không nhỏ tìm cách lách luật, trốn đóng và tình hình vượt trần, vượt quỹ tiếp tục tăng… Để giảm tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn thành phố xuống dưới 3%, tăng tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH và kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT của người lao động, liên ngành sẽ tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt, liên ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ BHXH, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và tăng cường quản lý, kiểm soát Quỹ BHYT (trong đó Sở Y tế chủ trì thanh tra việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT với các cơ sở khám, chữa bệnh có số chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần lớn, xử lý nghiêm trường hợp lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT; BHXH thành phố tăng cường các cuộc kiểm tra liên ngành tại các cơ sở khám, chữa bệnh…). BHXH thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động theo đúng quy định…
Đại diện các ngành đã chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực tế triển khai và đề xuất những giải pháp trong thời gian tới. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết: Cơ quan Thuế đã tăng cường tuyên truyền, trao đổi thông tin qua nhiều hình thức như: Thông tin tuyên truyền qua website của 2 ngành; trao đổi thư điện tử về chính sách thuế cũng như chính sách nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tới người nộp thuế. Không chỉ được gửi tới bộ phận kế toán như trước đây, nay thông qua email do doanh nghiệp đăng ký, thông tin đã tới được từ giám đốc doanh nghiệp cho tới kế toán. Thực hiện Quy chế phối hợp, vào ngày 15 hằng tháng, Cục Thuế cung cấp danh sách các đơn vị đăng ký mã số thuế mới phát sinh trên địa bàn, danh sách các doanh nghiệp giải thể, phá sản, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động... cho BHXH thành phố.
Trung tá Nguyễn Thế Thắng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân, cho biết: Từ tháng 7-2018, mỗi tháng 2 lần, Công an quận Thanh Xuân phối hợp với BHXH quận mời các đơn vị nợ tiền BHXH 3 tháng trở lên đến làm việc. Các đơn vị được tuyên truyền các quy định cơ bản về Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Hình sự, được giải đáp, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Qua đó cơ quan công an hướng dẫn và đề nghị các đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Sau khi ký biên bản làm việc, nhiều đơn vị đã cam kết cụ thể về thời điểm thanh toán nợ cho cơ quan BHXH. Theo tổng kết, tỷ lệ số nợ thu hồi sau khi làm việc với đơn vị là 63,1%.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới các đơn vị trong liên ngành phải coi việc đôn đốc, kiểm tra là nhiệm vụ của ngành mình, đưa nội dung này vào các cuộc thanh tra liên ngành, tập trung vào các doanh nghiệp nợ số tiền lớn, ảnh hưởng đến người lao động.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh vấn đề đối thoại, công khai các đơn vị nợ BHXH, phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền về Bộ luật Hình sự, Luật Khám, chữa bệnh và Luật BHYT cho cán bộ y tế… Tập trung các giải pháp đôn đốc, thu nợ; tăng cường kiểm soát chi phí; áp dụng hài hòa việc tuyên truyền với sử dụng biện pháp mạnh để tạo cho các doanh nghiệp nếp tự giác trong việc đóng BHXH, BHYT…