Cơ hội và những đòi hỏi mới
Thể thao - Ngày đăng : 07:58, 03/11/2018
"Mỏ vàng" chờ khai thác
Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc..., hoạt động kinh doanh thể thao có thể mang lại nguồn thu khổng lồ. Nhưng ở Việt Nam, "mỏ vàng" này chưa được phát huy hiệu quả. Câu chuyện bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2018 là một ví dụ.
Một buổi tập luyện của các thành viên Câu lạc bộ Phước Hưng Gymnastics. |
Mùa giải 2018, nhờ hiệu ứng từ đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, khán giả đến xem Giải Bóng đá vô địch quốc gia (V-League) tăng đáng kể, với 1,1 triệu lượt người, trung bình 6.200 người/trận. Hiệu ứng tốt là thế nhưng khoản thu từ việc bán bản quyền truyền hình mùa giải lại "chẳng được bao nhiêu" - như khẳng định của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú. Ông Trần Anh Tú cho biết: "Trước khi tôi tiếp quản VPF, nhiệm kỳ trước đã ký hợp đồng giao toàn bộ bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho Công ty Next Media đến hết mùa giải 2022. Trước năm 2018, VPF không thu được khoản tiền mặt nào từ bản quyền truyền hình, thậm chí còn phải trả tiền cho Next Media để phát sóng. Sau khi đàm phán lại, từ mùa giải 2018, Next Media chấp nhận trả cho VPF một khoản tiền nhỏ và số này năm sau sẽ cao hơn năm trước một chút. Quyền lợi của VPF là 100% các trận V-League được truyền hình trực tiếp và VPF được trả bằng một thời lượng quảng cáo nhất định trong thời gian nghỉ giữa 2 hiệp để phục vụ quyền lợi của nhà tài trợ giải; còn lại, theo hợp đồng cũ, Next Media được khai thác quảng cáo".
Tầm nhìn của những người tiền nhiệm đã khiến người làm bóng đá chuyên nghiệp nhiệm kỳ sau "bó chân bó tay", không thể khai thác tối đa nguồn lợi dù các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp ngày càng có sức hút.
Câu chuyện "tiềm năng chưa được phát huy" còn lặp lại ở việc khai thác thương hiệu của các vận động viên hàng đầu. Trên mạng xã hội, một số vận động viên Việt Nam nổi tiếng có lượng người theo dõi lớn cũng "manh nha" tiếp cận kinh doanh nhưng hầu hết chỉ ở dạng bán hàng online nhỏ lẻ. Thậm chí, có vận động viên còn suýt vi phạm hợp đồng với nhà tài trợ trang phục của liên đoàn thể thao, may đã kịp rút ảnh mặc trang phục của nhà tài trợ khác khi được nhắc nhở nên mới thoát án phạt nặng. Đó là hậu quả của việc thiếu hiểu biết về quy định liên quan hoạt động kinh doanh thể thao.
Tạo môi trường pháp lý cần thiết
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao năm 2018 đã được thông qua với nhiều điểm mới, trong đó khẳng định: "Tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quần chúng". Cùng với đó là nội dung "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp”. Ngoài ra, Điều 44 được bổ sung Khoản 3: "Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động thể thao chuyên nghiệp”. Đặc biệt, trong luật mới có điều khoản về đặt cược thể thao, theo đó Chính phủ sẽ quy định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao... Đây được coi là bước đi cần thiết tiếp theo sau khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế được ban hành ngày 24-1-2017, nhưng cũng đòi hỏi các nhà quản lý phải chủ động nhập cuộc, giám sát chặt chẽ nhằm quản lý tốt một vấn đề được cho là phức tạp, nhạy cảm.
Trên thực tế, các loại hình kinh doanh giải trí có yếu tố cá cược dựa trên việc khai thác các hoạt động thi đấu thể thao đã được du nhập và phát triển tại Việt Nam. Vì vậy, việc hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao, tạo môi trường pháp lý phù hợp nhằm quản lý chặt chẽ, tránh các hệ lụy có thể xảy ra và thông qua hoạt động này để thu hút nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực xã hội là cần thiết. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường quản lý, ngăn chặn việc lợi dụng hoạt động kinh doanh đặt cược thể thao để thực hiện các hình thức rửa tiền, kinh doanh trái phép, gây mất trật tự công cộng...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao năm 2018 cũng xác định khái niệm, điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tổ chức khác. Đây là cơ sở để các vận động viên đỉnh cao nghiên cứu, có thêm cơ hội kinh doanh sau khi giải nghệ. Với việc được quy định rõ trong luật, mô hình hoạt động kinh doanh thể thao theo kiểu Câu lạc bộ "Phước Hưng Gymnastics" của vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng, hay chuỗi Câu lạc bộ Karatedo Việt - Nhật của cựu võ sĩ Bùi Việt Bằng... chắc chắn sẽ có điều kiện phát triển ngày càng đa dạng.