"Chạy đua" tăng trưởng tín dụng: Dư địa không nhiều
Tài chính - Ngày đăng : 07:16, 03/11/2018
Hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Hải Anh |
Nhiều ngân hàng “chạm trần”
Mặc dù nhu cầu vay vốn vẫn lớn, nhưng đến nay nhiều ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao từ đầu năm, thậm chí một số ngân hàng còn “chạm trần” tăng trưởng tín dụng từ cuối quý II. Bởi vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong quý III chậm lại, chỉ số tăng trưởng tín dụng tính đến đầu tháng 10-2018 chỉ đạt 9,89% so với cuối năm 2017, trong khi cùng kỳ năm trước, chỉ số này đạt 11,73%.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát bình quân năm 2018 được Quốc hội và Chính phủ đặt ra, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Tháng 8-2018, tại Chỉ thị 04/CT-NHNN triển khai giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 với các tổ chức tín dụng yếu kém)…
Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại tiếp tục có văn bản xin được nới hạn mức trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống thấp hơn so với cùng kỳ. Trong khi một số ngân hàng đã "chạm trần", vẫn có ngân hàng chưa dùng hết chỉ tiêu được cấp.
Chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng dao động trong khoảng 12-14%, có ngân hàng có thể đạt mức 16-17%. Nhưng số liệu báo cáo của 10 ngân hàng thương mại lớn (Vietcombank, TPBank, LienVietPostBank, ACB, HDBank, MB, VietinBank, BIDV, VIB, VPBank) cho thấy ngay từ cuối quý II, tăng trưởng tín dụng của các những ngân hàng này đã gần đạt ngưỡng cho phép. Cụ thể, TPBank đạt 16,2%, HDBank: 15,1%, LienVietPostBank: 13,9%, ACB: 11,7%, Vietcombank: 11,4%, MB: 11,0%. Nếu so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra trong kỳ đại hội thường niên của các ngân hàng, kết quả tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này vẫn thấp. Ví như kế hoạch tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank là 20%, HDBank: 40%, VPBank: 25%…
Muốn được nới “room”
Trước thực trạng “room” tăng trưởng tín dụng (hạn mức cho vay) đã cạn, một số ngân hàng đã đề nghị nới chỉ tiêu, tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng được thêm “room”. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cho biết, Techcombank vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Như vậy, Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm. Thông thường, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nhưng nhiều ngân hàng đã chạm mức trần chỉ tiêu tín dụng cho vay năm 2018, nên không còn dư địa này. Ngân hàng được phép nới “room” tăng trưởng tín dụng hay không tùy thuộc vào tình hình tài chính, xử lý nợ xấu... Techcombank là một trong những ngân hàng đã xóa sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và có tỷ lệ an toàn vốn cao hơn nhiều so với quy định.
Cho tới nay, mới chỉ có thông tin Techcombank được nâng mức tăng trưởng tín dụng, trong khi không ít ngân hàng cũng mong muốn được có thêm dư địa như Techcombank. Xét theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng, dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, nhưng thị trường chỉ còn dành cho những ngân hàng có mức tăng trưởng thấp hồi đầu năm. Trong khi nhiều ngân hàng đã đạt trần tăng trưởng tín dụng từ giữa năm, Techcombank mới chỉ đạt con số 2,3% nên việc ngân hàng này được cho phép đã nằm trong dự đoán.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng của cả năm 2018 sẽ thấp hơn so với mục tiêu của hệ thống là 17%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, việc điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng đặt ra ngay từ đầu năm khoảng 17% là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, quá trình điều hành sẽ tùy theo nhu cầu của nền kinh tế để điều chỉnh. Riêng về nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt với 5 lĩnh vực ưu tiên, dư địa tín dụng vẫn dồi dào, các ngân hàng thương mại vẫn luôn bảo đảm thanh khoản cho các lĩnh vực này.
Rõ ràng, cơ hội nới “room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại là không có, nên dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2018 của ngành Ngân hàng khó đạt ngưỡng 17% như dự kiến từ đầu năm. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tăng cường quản lý giới hạn tín dụng theo ngành, lĩnh vực, tăng trưởng huy động vốn với chi phí hợp lý, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn.