Tăng trưởng du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 04/11/2018
Ông Trần Đức Hải (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - 2018. |
Trao đổi với Báo Hànộimới về những kết quả 10 tháng năm 2018 cũng như định hướng thời gian tới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng gắn liền với nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng
- Nhìn lại kết quả 10 tháng của ngành Du lịch Hà Nội, theo ông đâu là những điểm đáng chú ý?
- Đó là lượng du khách tới Hà Nội giữ được đà tăng trưởng cao, quy mô hoạt động du lịch ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Ước tính, 10 tháng năm 2018, khách du lịch đến Thủ đô đạt khoảng 21,73 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 4,82 triệu lượt, tăng 17,9% (khách quốc tế đến có lưu trú khoảng 3,61 triệu lượt, tăng 21%); khách nội địa đạt 16,91 triệu lượt, tăng gần 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 63.378 tỷ đồng. Công suất sử dụng buồng, phòng khách sạn bình quân đạt 64,8%. Dù giá phòng tại nhiều khách sạn tăng, nhưng có những khách sạn đã kín phòng thuê đến hết quý I, đầu quý II-2019.
Những kết quả của ngành Du lịch cũng đã được ghi nhận, khi Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là một trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”.
- Vậy, đâu là nguyên nhân để đạt được kết quả đó?
- Trước tiên, phải khẳng định, ngành Du lịch Thủ đô đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội; sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và nhân dân. Thành phố đã triển khai tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.
Trong 10 tháng qua, việc quảng bá, hợp tác thu hút khách du lịch của Hà Nội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại như: “Những ngày châu Âu 2018”, “Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản và Triển lãm hoa anh đào năm 2018”,... Đặc biệt, thành phố đã triển khai hiệu quả chương trình hợp tác chiến lược với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền, quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội - Việt Nam trên kênh CNN quốc tế, đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ khán giả, du khách, các cơ quan truyền thông trong nước, quốc tế. Trong xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch, Hà Nội đã đăng cai, tổ chức thành công hội nghị Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á lần thứ 16; chủ động phối hợp đưa nhiều đoàn khảo sát du lịch nước ngoài từ châu Âu, Nhật Bản tới Hà Nội. Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức khảo sát, liên kết sản phẩm du lịch với các địa phương trong nước và tại Hà Nội để tạo ra sản phẩm du lịch mới...
- Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, liệu ngành Du lịch Hà Nội có hoàn thành các mục tiêu đã đề ra?
- Năm 2018, mục tiêu của ngành Du lịch Hà Nội đón 25,4 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế. Song, dự kiến đến hết năm 2018, tổng số khách du lịch đến Hà Nội có thể đạt 25,94 triệu lượt, tăng 8,9%, trong đó khách quốc tế ước đạt 5,74 triệu lượt, tăng 16%; khách nội địa ước đạt 20,2 triệu lượt, tăng 7% và tổng thu từ khách du lịch ước đạt 75.632 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2017. Công suất sử dụng buồng, phòng khách sạn bình quân năm 2018 ước đạt 64,86%.
- Dù nhiều mục tiêu có thể về đích sớm, nhưng ngành Du lịch Thủ đô còn kỳ vọng thêm điều gì, thưa ông?
- Với đà phát triển như hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô sẽ về đích sớm trước 2 năm về chỉ tiêu đón 5,7 triệu lượt khách quốc tế theo mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn tăng trưởng số lượng khách phải đi liền với nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu từ khách du lịch... Vì vậy, thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội tập trung xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa, các điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp… để cải thiện cơ cấu chi tiêu, tăng chi tiêu bình quân của khách du lịch.
Giữ gìn, phát huy điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”
- Có nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc, thể thao trong nước và quốc tế quy mô lớn được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian qua, thu hút đông đảo người dân tham gia. Theo ông, những sự kiện này tác động thế nào đến du lịch Thủ đô?
- Theo tôi, những sản phẩm du lịch mới có tác động kích cầu tích cực, qua đó tạo ra nhiều lựa chọn cho du khách cũng như thu hút du khách tới Thủ đô. Nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã để lại ấn tượng sâu sắc, được dư luận đánh giá cao như: Chương trình hòa nhạc của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới London Symphony Orchestra, Ngày Hàn Quốc tại Hà Nội, Israel tại Hà Nội, Lễ hội Đức 2018…; hoạt động giới thiệu văn hóa các tỉnh, thành phố như: Không gian văn hóa dân tộc Mông - Hà Giang, Sơn La tại Hà Nội; Quảng Bình trong lòng Hà Nội; Đờn ca tài tử tỉnh Bến Tre… Ngoài ra còn có không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 lần đầu tiên tổ chức tại Công viên Thống Nhất… đã mang đến nhiều nét mới cho du lịch Thủ đô.
Đặc biệt, các sự kiện thể thao mang tính đặc thù như Giải đua thuyền truyền thống tại hồ Tây vào dịp Tết Âm lịch, các giải marathon quốc tế và sắp tới có thể là những sự kiện thể thao đẳng cấp quốc tế… cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch và nhiều ngành khác.
- Với những hoạt động đa dạng kể trên, theo ông, cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để thu hút nhiều khách hơn, nhất là khách lưu trú?
- Ngay trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019, ngành Du lịch Hà Nội đã đề ra các giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Theo đó có 3 nhóm giải pháp chính: Thứ nhất, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch; hình thành một số khu du lịch vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế và khách sạn cao cấp từ 4 đến 5 sao trên địa bàn thành phố. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các khu du lịch, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố; đề xuất danh mục các khu, điểm du lịch chất lượng cao cần tập trung đầu tư gắn với các mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu của thành phố trong giai đoạn 2019-2020; ban hành Bộ tiêu chí chuẩn công nhận điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao của TP Hà Nội…
Thứ hai, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, liên kết, hợp tác thu hút khách du lịch với ứng dụng công nghệ. Tiếp tục triển khai chương trình hợp tác giai đoạn 2019-2021 giữa Hà Nội và kênh CNN quốc tế; tăng cường liên kết với các hãng hàng không, lữ hành quốc tế lớn thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội tại chỗ và xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm quốc tế; chú trọng liên kết, hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thứ ba, bảo đảm môi trường hoạt động kinh doanh du lịch và an ninh an toàn đối với khách du lịch, giữ gìn và phát huy hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.
- Việc duy trì kênh liên lạc với du khách, nhằm bảo đảm quyền lợi cho du khách đang được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã duy trì số điện thoại đường dây nóng (0941.33.66.77) để cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch, tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị của du khách và người dân. Từ ngày 24-10-2018, Sở Du lịch đã phối hợp với VNPT - Hà Nội chính thức triển khai Tổng đài tư vấn, giải đáp thông tin du lịch Hà Nội 1800556896 thay cho số điện thoại đường dây nóng trước đây, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về du lịch cũng như các thông tin kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, giao thông, các sự kiện nổi bật và các ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị của du khách, người dân được tiếp nhận, xử lý một cách nhanh chóng.
Đồng thời, tổ chức triển khai đội hình tình nguyện Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội, đưa 300 sinh viên tình nguyện từ 5 trường đại học đến hỗ trợ khách du lịch tại các điểm du lịch trọng điểm của thành phố.
- Sở Du lịch Hà Nội đã và đang làm gì để bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện, tránh xảy ra những chuyện không hay liên quan đến du khách như chặt chém, chèo kéo, ép du khách dùng dịch vụ rồi lấy giá cao?
- Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, Sở Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng tránh và xử lý nghiêm tình trạng bán hàng rong, đánh giày, ăn xin, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, taxi chặt chém, lấy giá cao hơn mức bình thường...
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn môi trường du lịch của Thủ đô “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, chính quyền các địa phương, các sở, ngành của thành phố và các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của cộng đồng, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử của thành phố và của ngành Du lịch.
- Trân trọng cảm ơn ông!