Hòa nhịp cuộc sống bên “đường đua xanh”

Thể thao - Ngày đăng : 07:30, 04/11/2018

(HNM) - Vận động viên hạng thương tật S5 Võ Thanh Tùng vừa được vinh danh trong số những gương mặt tiêu biểu tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN Para Games) năm 2018, diễn ra vào tháng 10-2018 tại Indonesia.

Hơn cả những tấm huy chương và kỷ lục, việc được bơi trên đường đua xanh, hòa nhập cùng cộng đồng mới là niềm vui lớn nhất của Thanh Tùng - như kình ngư sinh năm 1985 này đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

Kình ngư Võ Thanh Tùng trên đường đua.


- Thanh Tùng có bất ngờ với việc giành được 3 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, phá 3 kỷ lục châu Á cự ly bơi ngửa 50m, bơi tự do 200m, bơi tự do 100m tại ASIAN Para Games 2018?

- Đây là đấu trường lớn nhất châu lục của thể thao người khuyết tật, quy tụ nhiều đối thủ cực mạnh nên tôi rất bất ngờ với kết quả này, nhất là khi tôi đã vượt xa chỉ số thành tích của chính mình.

- Công việc luyện tập của anh hiện nay như thế nào?

- Với việc giành Huy chương bạc Paralympic Rio năm 2016 và nhiều giải đơn môn, tôi được Tổng cục Thể dục thể thao xếp vào danh sách tập huấn dài hạn từ đầu năm nay. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện ăn, ở tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh và có thêm khoản tiền công tập luyện chừng 3,6 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng/tháng. Khoản tiền đó không lớn, nhất là trong bối cảnh phải sống xa nhà và thực tế là tôi vẫn cần sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình ở Cần Thơ. Nhưng trong bối cảnh không có khoản hỗ trợ nào của đơn vị chủ quản TP Hồ Chí Minh ngoài tiền thưởng nếu thi đấu có thành tích, việc được Tổng cục Thể dục thể thao và Hiệp hội Paralympic Việt Nam quan tâm đầu tư thực sự là vô cùng quý giá. Vì vậy, tôi càng nỗ lực tập luyện để không phụ sự quan tâm thiết thực, nhiều ý nghĩa đó.

- Trong quá trình tập luyện, người khuyết tật luôn phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người bình thường. Với anh thì như thế nào?


- Xa nhà, xa vợ và hai con nhỏ, bé trai 2 tuổi, bé gái sắp tròn năm, đó là khó khăn lớn. May mà vợ tôi sống ở Cần Thơ vẫn nhận được sự hỗ trợ của ông, bà hai bên nội, ngoại trong việc chăm sóc các cháu, bán hàng kiếm sống. Trước đây, tôi làm nghề sửa điện thoại, nhưng nay phải bỏ nghề vì chỉ có tập trung tập luyện mới mong đạt kết quả tốt. Ít ai biết rằng 2 tháng trước thềm ASIAN Para Games 2018 tôi còn không có huấn luyện viên hướng dẫn chuyên biệt, do huấn luyện viên Đổng Quốc Cường của TP Hồ Chí Minh nghỉ hưu. May nhờ sự vào cuộc rốt ráo của Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng - Tổng cục Thể dục thể thao - Nguyễn Ngọc Anh, thầy cũ của tôi là huấn luyện viên Bùi Văn Tâm mới được gọi bổ sung vào đội tuyển, hỗ trợ tôi và đồng đội, tạo nên bước chuyển về thành tích rất tuyệt vời.

- Thanh Tùng từng giành Huy chương bạc tại Paralympic Rio năm 2016, hiện chỉ số thành tích đã tăng lên. Anh có nghĩ đến việc giành “vàng” tại Paralympic Tokyo 2020?

- Tất nhiên là tôi muốn chứ! Nhưng muốn có “vàng” Paralympic Tokyo 2020 mà chỉ trông chờ Tổng cục Thể dục thể thao gọi tập trung đội tuyển theo kỳ cuộc để được tạo điều kiện về ăn, ở, tập luyện thì rất khó. Điều mà vận động viên người khuyết tật cần nhất chính là chế độ chính sách của đơn vị chủ quản, được bảo đảm thu nhập hằng tháng để yên tâm tập luyện. Điều này TP Hà Nội làm rất tốt, đáng tiếc ở TP Hồ Chí Minh chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ rất cần thiết này.

- 6 tuổi bị bại chân, Thanh Tùng đến với đường đua xanh để tập luyện và hòa nhập cộng đồng. Anh muốn chia sẻ điều gì với những người cùng cảnh ngộ?

- Hơn cả những tấm huy chương và kỷ lục, việc được bơi trên đường đua xanh, hòa nhập cùng cộng đồng thông qua thể thao mới là niềm vui lớn nhất của tôi. Khó nhất là lúc bắt đầu, phải vượt qua cảm giác tự ti. Bởi vậy, người khuyết tật cần học cách vượt qua tâm lý mặc cảm, có ý chí, kiên trì, nỗ lực, tự tin, và tôi tin rằng khi đó họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Thể thao là cầu nối giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn Thanh Tùng!

Mai Hoa