Thiếu vắng tác phẩm hay về Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 07:23, 04/11/2018
Không chỉ đem đến cho công chúng Hà Nội những tác phẩm sân khấu đa dạng về thể loại, đây là dịp để giới hoạt động sân khấu nhìn lại mảng sáng tác trong thời gian qua. Tuy nhiên, chỉ điểm qua danh sách đã thấy sự thiếu vắng tác phẩm hay về Hà Nội.
Vở “Ngôi nhà trong thành phố” của Nhà hát Kịch Hà Nội được chọn diễn mở màn liên hoan. |
“Bình cũ, rượu mới”
Trở lại sau 2 năm, Liên hoan sân khấu Thủ đô do Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, có 10 vở diễn thuộc các loại hình chèo, cải lương và kịch nói của 10 đơn vị nghệ thuật tham dự. Trong đó, Trung tâm Sân khấu và Phát triển (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) là đơn vị xã hội hóa.
Chủ đề của liên hoan gắn với mảnh đất địa linh nhân kiệt nên các đề tài mang tính anh hùng ca vẫn chiếm tỷ lệ lớn. “Lý triều dựng nghiệp” của Nhà hát Cải lương Việt Nam tái hiện giai đoạn chuyển giao nhà Tiền Lê và nhà Lý với vai trò chính là Thái tổ Lý Công Uẩn, người sau này có quyết định dời đô, đặt mốc son cho lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai khéo léo kết hợp kỹ thuật rối bóng và múa hiện đại, vở cải lương xem khá mềm mại.
Đáng chú ý là vở “Ngôi nhà trong thành phố” của Nhà hát Kịch Hà Nội, ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ, được chọn mở màn liên hoan lần này. Giữa không khí bi tráng, đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng vẫn đan cài những chi tiết nên thơ, để thấy rõ con người Hà Nội dù trong hoàn cảnh nào vẫn “nở hoa”.
Lấy bối cảnh lịch sử, “Cô Son” do Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng là một câu chuyện đời đầy chất thơ. Trong khi đó, Nhà hát Chèo Việt Nam với mạch phục dựng tích dân gian tiếp tục mang đến “Thị Hến” theo lối cách tân. Một số nhà hát mang vở tâm lý xã hội hiện đại tham gia như “Bão của hoàng hôn” (Đoàn kịch Công an nhân dân), “Đen trắng vòng đời” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Tôi đẹp tôi có quyền” (Nhà hát Tuổi trẻ)... Tuy nhiên, các vở diễn này đã được viết kịch bản từ khá lâu, nhiều bản được dựng đi dựng lại. Các đơn vị nghệ thuật chọn công thức “bình cũ, rượu mới”, đưa màu sắc, hơi thở của cuộc sống hôm nay vào tác phẩm để tạo cảm giác mới mẻ, gần gũi.
Thiếu sự đột phá
Mục đích của liên hoan là cổ vũ sáng tạo về đề tài Hà Nội. Hai năm qua, có rất nhiều vấn đề đương đại được đặt ra, nhưng dường như sân khấu chưa “chạm” tới. Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không giấu nỗi lo khi mùa liên hoan này có rất ít vở mới, chưa phản ánh được hiện thực Thủ đô gần đây. May ra có vở “Tôi đẹp tôi có quyền” khá thời sự.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức thẳng thắn rằng, sân khấu hiện nay thiếu một Lưu Quang Vũ - người viết kịch bản thời sự, có tính dự báo cao. Còn nhà viết kịch Giang Phong, hội viên Hội Sân khấu Hà Nội, chỉ ra một thực tế khác: “Nhiều tác giả có vở hay, táo bạo, đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong xã hội hôm nay, nhưng khi mang đến các đơn vị nghệ thuật thì bị trả lại. Họ sợ vở gai góc...”.
Còn một vấn đề quan trọng nữa là cách dàn dựng tác phẩm vẫn theo lối mòn. Hầu hết vở diễn đã được ra mắt khán giả, khá “sạch sẽ”, nhưng để chiếm được cảm tình của đa số khán giả thì chưa. Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội thừa nhận: “Thời điểm này, khó có vở diễn nào về đề tài Hà Nội thu hút được sự chú ý của công chúng”. Theo nghệ sĩ, nguyên nhân là hiện nay có nhiều hình thức giải trí mới, khán giả có sự lựa chọn khác thay vì đến với sân khấu, nhưng cơ bản là các đơn vị nghệ thuật chưa tìm ra cách để tạo sự đột phá cho tác phẩm.
Còn nhớ hai năm trước, vở “Quẫn” của thầy trò đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực đã phần nào “chạm” tới điều đó tại chính Liên hoan sân khấu Thủ đô. Chọn một đề tài cũ mà tác giả Lộng Chương viết từ rất lâu, đã từng có nhiều bản dựng nhưng đạo diễn Trần Lực làm mới theo phong cách hiện thực ước lệ, lấy diễn xuất làm trung tâm và giành được giải vàng, bạc cho vở diễn, đạo diễn, diễn viên. Từ đây, Đoàn kịch Lực Team do Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực thành lập tạo nên không khí mới lạ cho kịch nghệ Hà Nội.
Liên hoan lần này thiếu yếu tố nói trên. Trung tâm Sân khấu và Phát triển được hình thành dựa trên nhóm nghệ sĩ từ các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội. “Chân trong, chân ngoài”, cũng khó để họ toàn tâm toàn ý tạo dựng diện mạo sân khấu mới…
Các đơn vị nghệ thuật của trung ương và Hà Nội đều đang đứng trước thách thức của việc tự chủ hoạt động. Điều đó có nghĩa là phải dựa vào khán giả để tồn tại. Khán giả Thủ đô có trình độ thưởng thức nhất định. Chỉ những tác phẩm hay, chất lượng mới có thể kéo khán giả đến rạp. Những tác phẩm hời hợt, thiếu sáng tạo không bao giờ tồn tại lâu. Đây là bài học được nhìn ra rất sớm, nay được bổ sung từ liên hoan này.