Kiểm soát ô nhiễm khí thải do xe cơ giới
Công nghệ - Ngày đăng : 06:50, 05/11/2018
Nhà cách chỗ làm hơn 12km nhưng hầu như ngày nào đi làm, anh Lê Đức (phường Thạnh Lộc, quận 12) cũng phải đi qua 4-5 điểm kẹt xe. Khi đến chỗ làm (đường Hòa Hưng, quận 10) mất ít nhất 45 phút, lúc cao điểm hết cả giờ đồng hồ. Không chỉ mệt mỏi mà theo anh Đức, lo ngại nhất là mỗi lần kẹt xe, hít phải một lượng khói khổng lồ xả ra từ hàng nghìn phương tiện cơ giới, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Kẹt xe tại TP Hồ Chí Minh là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. |
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố đã có gần 8,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, lượng xe máy chiếm 95% và chỉ tiêu thụ 56% lượng xăng, nhưng thải ra 94% HC, 87% CO và 57% Nox trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Dự báo vào năm 2020, lượng phương tiện tăng lên khoảng 9 triệu xe máy và gần 800.000 ô tô. Đáng nói trong số này có hàng triệu xe gắn máy (nhất là xe đã quá hạn sử dụng, xe tự chế) cùng với các loại ô tô, xe tải lưu thông thải khí độc và gây bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Cũng theo kết quả quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, tại khu vực An Sương (quận 12), Phú Lâm (quận 6), Cát Lái (quận 2), Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) và quận Gò Vấp, nồng độ khí CO, CO2, NO2, hạt bụi lơ lửng (PM10), có xu hướng tăng và cao nhất trong 20 vị trí quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn.
Phân tích về tính độc hại của khí thải giao thông, Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh cho biết, khí CO (carbon monoxit) là một trong những khí độc có trong không khí ô nhiễm, có độc tính cao với sức khỏe con người. Nếu hít phải một lượng lớn khí CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ô xy trong máu, thậm chí có nguy cơ gây tử vong. Mặt khác, ô nhiễm môi trường không khí tác động lên hệ hô hấp gây ra một số bệnh như: Tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, hen suyễn, ung thư phổi.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, thành phố đề ra chỉ tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông - vận tải, tuy nhiên chỉ tiêu này chưa đạt được so với mục tiêu đề ra.
Hiện Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đã triển khai đề án đầu tư thay thế 1.680 xe buýt sang sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố, Sở đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng lộ trình kiểm soát, quản lý khí thải của các phương tiện để phù hợp với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Nếu được UBND thành phố thông qua, sẽ thuê tư vấn xây dựng lộ trình để triển khai năm 2019.
"Sở sẽ phối hợp với các cơ quan đăng kiểm xây dựng mạng lưới kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới. Đặc biệt, những xe máy cũ gây ô nhiễm sẽ bị thu hồi. Ngoài ra Sở sẽ xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải", ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.