Chính sách phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 05/11/2018
Trước đó, trong quá trình xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (ngày 10-9-2014) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, với loại hình taxi ứng dụng công nghệ, Bộ Giao thông - Vận tải cũng liên tục thay đổi quan điểm lúc thì cho rằng cần quản lý Grab như taxi truyền thống để bảo đảm công bằng, sau đó lại thay đổi theo hướng đề ra các phương thức quản lý loại hình ứng dụng công nghệ kết nối vận tải.
Đến đầu tháng 10-2018, trong dự thảo lần 6 trình Chính phủ, thêm một lần Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục thay đổi quan điểm khi lại đề xuất quản lý Grab như taxi truyền thống. Tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, sẽ không chỉ có tranh chấp về lợi ích giữa Grab và taxi truyền thống, mà nhiều loại hình kinh doanh khác cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Đặc biệt, mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, nếu cho rằng Grab và các loại hình tương tự có nguy cơ làm mất an toàn giao thông thì cơ quan chức năng cần kiểm định lại các xe một cách công bằng.
Còn nếu là vì vấn đề thuế, cơ quan thuế phải nghĩ ra công cụ để kiểm soát. Nếu không kiểm soát được mà lại ép cái mới theo khuôn khổ cái cũ là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, khi một loại hình kinh doanh mới xuất hiện cần phải có thời gian để đánh giá, đồng thời nên có chính sách khuyến khích cái mới, sự sáng tạo chứ không nên cố "gò" theo tư duy cũ, khuôn khổ cũ. Nói rộng hơn - chính sách phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vì sự phát triển của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng.