Hóa giải khó khăn cấp nước vụ đông xuân
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:27, 05/11/2018
Nguy cơ hạn hán
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, mùa mưa năm 2018 sẽ kết thúc sớm. Dự báo trong tháng 11 và 12-2018, tổng lượng mưa ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; từ tháng 1 đến tháng 4-2019 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 25%.
Mực nước trên các sông khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10 đến 30%. Mực nước thấp nhất trên sông Hồng tại trạm đo Long Biên có khả năng ở mức 0,3-0,4m xuất hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3-2019.
Trong tháng 12-2018, sẽ hoàn thành Trạm bơm tưới Thụy Phú II phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Xuyên và Thường Tín. Ảnh: Kim Văn |
Với dự báo trên, ngành Nông nghiệp và Điện lực tiếp tục gặp khó khăn trong bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát điện. Thực tế, để cấp đủ nguồn nước gieo cấy vụ đông xuân 2017-2018 cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, các nhà máy thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã phải xả 5,33 tỷ mét khối, cao hơn năm 2016-2017 là 0,4 tỷ mét khối.
Tuy nhiên, do lòng dẫn hạ thấp nên hơn 70% tổng thời gian 3 đợt hồ thủy điện mở cửa xả mực nước sông Hồng tại trạm đo Long Biên không đạt mức 2,2m. Với mực nước này, nhiều công trình thủy lợi đầu mối của TP Hà Nội không thể lấy đủ nước đúng công suất thiết kế.
Bên cạnh khó khăn về nguồn nước, do ảnh hưởng của các trận mưa lũ năm 2018 nên hiện nay nhiều công trình tiếp nguồn, dẫn nước trên địa bàn TP Hà Nội bị hư hỏng, bồi lắng. Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy), cho biết, trên địa bàn các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức có 39 tuyến kênh dẫn vào các bể hút, trạm bơm bị bồi lắng. Tương tự, tại huyện Thanh Oai có 28 tuyến kênh; huyện Chương Mỹ có 15 tuyến kênh; huyện Mỹ Đức có 25 tuyến kênh… Ngoài ra, tại các huyện trên còn có 30 trạm bơm bị hư hỏng, xuống cấp phần nhà trạm, máy bơm, thiết bị cơ điện…
Nhiều giải pháp ứng phó
Ông Chu Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, TP Hà Nội hiện có khoảng 120.000ha sản xuất nông nghiệp; trong đó có khoảng 30.000ha lấy nước từ sông Đáy; 90.000ha lấy nước từ sông Hồng. Khoảng 10 năm gần đây, do mực nước sông Hồng liên tục hạ thấp nên một số trạm bơm tưới đầu mối như Trung Hà, Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm, Hồng Vân, Thụy Phú, Đan Hoài… không thể hoạt động tối đa công suất thiết kế.
Vì vậy, TP Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây dựng các trạm bơm: Đan Hoài, Hồng Vân, Thụy Phú… có thể lấy nước sông Hồng trong điều kiện mực nước sông Hồng xuống dưới 2m, đồng thời, lắp đặt bổ sung các trạm bơm dã chiến Phù Sa, Thanh Điềm, Ấp Bắc… Bên cạnh đó, thành phố cũng dành nguồn kinh phí để xử lý sự cố các hồ chứa thủy lợi, bảo đảm dung tích thiết kế phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân…
Tuy nhiên, để ứng phó với mực nước sông Hồng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước xả của các hồ thủy điện, ngày 24-10, UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình lấy nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2018-2019 trên địa bàn thành phố; chủ động sửa chữa, bảo dưỡng, nạo vét các công trình thủy lợi; chủ động chuyển đổi các chân ruộng khó khăn về nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn…
Thực hiện chỉ đạo trên của thành phố, hiện nay, các doanh nghiệp thủy lợi đã hoàn thành công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình sau mùa mưa lũ; hoàn thành phương án chống hạn vụ đông xuân 2018-2019 và đang tập trung triển khai kế hoạch nạo vét kênh mương, tu sửa, bảo dưỡng, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, sẵn sàng tiếp nguồn nước hồ thủy điện...
Các doanh nghiệp thủy lợi đề nghị UBND thành phố đề xuất Bộ NN&PTNT có kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện phù hợp với lịch gieo cấy trên địa bàn bảo đảm mực nước thiết kế tại các trạm bơm đầu mối trên sông Hồng, sông Đà vận hành. Khi có tình huống bất khả kháng xảy ra do thời tiết cực đoan vượt quá khả năng thực hiện theo nhiệm vụ đặt hàng, các doanh nghiệp thủy lợi cũng đề nghị các cấp, các ngành bố trí kinh phí thực hiện công tác chống hạn vụ đông xuân 2018-2019…
Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục đang tích cực phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng phương án điều tiết nước các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang; thống nhất thời gian xả nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2018-2019 cho khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ. Bộ NN&PTNT đang đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các giải pháp dài hạn để giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng diễn ra thường xuyên…