Khoảng 1/10 dân số thành phố tham gia thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự
Đời sống - Ngày đăng : 14:01, 06/11/2018
Phát động từ ngày 17-5, Ban tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015" đã tiếp nhận được gần 925 nghìn bài dự thi (chiếm khoảng 1/10 dân số thành phố, gấp đôi số lượng bài tham dự cuộc thi viết "Tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2015"). Trong số bài gửi về dự thi, đáng chú ý có gần 229 nghìn bài của học sinh từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, hơn 50 nghìn bài dự thi của người cao tuổi. Nhiều bài dự thi để lại ấn tượng sâu sắc, với sự thể hiện công phu, trình bày độc đáo, sáng tạo. Điển hình là bài dự thi của ông Đoàn Trung Hiếu -Công an TP Hà Nội với 740 trang A4, được đặt trên mô hình Khuê Văn Các bằng gỗ; bài dự thi của bà Đồng Thị Thanh Huyền - Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm gồm 2 quyển viết tay được đựng trong hộp gỗ rất trang trọng...
Với sự xuất sắc của nhiều bài thi, Ban tổ chức cuộc thi thống nhất tăng cơ cấu giải thưởng cuộc thi. Theo đó, với giải tập thể, trao: 3 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba (cơ cấu cũ là 2 giải Nhất, 7 giải Nhì, 10 giải Ba).... Đối với cá nhân, trao 1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 12 giải Nhì, 20 giải Ba, 42 giải Khuyến khích, 5 giải phụ (cơ cấu giải cũ là 1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 20 giải Ba, 35 giải Khuyến khích).
Về kết quả 5 năm triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương nhấn mạnh, kết quả nổi bật là thành phố đã tổ chức được 40.771 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với khoảng 6,7 triệu lượt người tham dự; đã in ấn phát hành gần 33 triệu tài liệu pháp luật. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền pháp luật, nhất là trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật cùng với chủ đề công tác năm của thành phố như: Năm trật tự và văn minh đô thị (năm 2015, 2016); năm kỷ cương hành chính (năm 2017); năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị (năm 2018).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để Ngày Pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, trở thành các hoạt động, việc làm thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị và từng người dân trên địa bàn Thủ đô, thời gian tới các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin; đặc biệt, cần tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới các hình thức phổ biến pháp luật cho phù hợp với đối tượng và địa bàn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, phong trào.