Mở rộng triển khai hóa đơn điện tử: Nhiều lợi ích cho người nộp thuế
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:10, 06/11/2018
Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ... phải lập hóa đơn điện tử và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định. Trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có sử dụng máy tính tiền, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Bên cạnh đó, Nghị định còn nhiều quy định cụ thể khác về việc sử dụng hóa đơn điện tử...
Phó Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) Tạ Thị Phương Lan cho biết, Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng; hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Nghị định nêu trên có hiệu lực từ ngày 1-11-2018, nhưng để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý đưa ra thời hạn 24 tháng (từ ngày 1-11-2018 đến 1-11-2020) để doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng hóa đơn điện tử.
Bà Tạ Thị Phương Lan cũng cho biết, hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích nổi bật, như tiết kiệm chi phí vận chuyển, bảo quản hóa đơn; an toàn, bảo mật; tiết kiệm thời gian; giảm thiểu các thủ tục hành chính; không phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và mang lại tiện ích cao, đa dạng phương thức gửi hóa đơn cho khách hàng. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế có thể đến cơ quan thuế để yêu cầu khởi tạo hóa đơn điện tử cũng tương tự như đăng ký mua hóa đơn giấy trước đây.
Bên cạnh đó, việc triển khai hóa đơn điện tử trên diện rộng không có nghĩa ngành Thuế nhằm vào những hộ kinh doanh nhỏ, có doanh thu chỉ đủ nuôi sống gia đình, mà hướng đến quản lý những hộ kinh doanh lớn chiếm khoảng 7-10% trong tổng số hơn 1,7 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Với những hộ kinh doanh lớn sẽ bắt buộc phải dùng hóa đơn điện tử, sổ sách kế toán và nộp thuế theo kê khai, không được áp dụng thuế khoán, tiến tới thúc đẩy những hộ này thành lập doanh nghiệp, qua đó hạn chế tình trạng trốn thuế.
Liên quan đến việc kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế, hiện nhiều siêu thị, hộ kinh doanh, hay các hãng vận tải, taxi đã có máy tính tiền và phần mềm quản lý doanh thu rất chặt chẽ, thông tin của các cửa hàng, quầy thuốc đều được Bộ Y tế quản lý, nhưng lại chưa được liên thông với cơ quan thuế. Vì vậy, ngành Thuế sẽ triển khai theo hướng phối hợp chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp để quản lý doanh thu của các hộ kinh doanh. Đối với các hộ bán hàng tiêu dùng nhỏ lẻ, các cửa hàng bán hàng ăn sáng chưa có phần mềm kế toán, máy tính tiền, cơ quan thuế sẽ kết nối thông tin với các cơ quan điện, nước để xác định mức tiêu thụ, từ đó tính toán doanh thu và số thuế phải nộp. Trường hợp không có thông tin của các hộ kinh doanh từ các cơ quan quản lý nhà nước khác, cơ quan thuế sẽ ấn định thuế.