Giữ môi trường bằng... mạng xã hội

Công nghệ - Ngày đăng : 06:16, 08/11/2018

(HNM) - “Tổ công tác biệt phái”, “Đôn đốc vệ sinh môi trường”... là tên của những nhóm chat trên ứng dụng Zalo được một số cơ quan, đơn vị và địa phương ở Hà Nội lập ra để theo dõi, giám sát công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Nhanh chóng tiếp nhận thông tin, xử lý rác thải tập kết không đúng quy định sau khi nhận được phản ánh từ Zalo.


Hơn một năm nay, tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã hình thành một “Tổ công tác biệt phái”. Đây là tên của một nhóm chat (trò chuyện) trên mạng xã hội có hơn 20 thành viên, gồm cán bộ giám sát của công ty và các chi nhánh trực thuộc. Họ không phải “biệt phái” đi công tác, mà là “biệt phái” vào một nhóm Zalo để phối hợp giám sát, tiếp nhận và xử lý những “điểm đen” về rác.

Thông qua những hình ảnh, thông tin “điểm đen” vệ sinh môi trường được phản ánh qua tin nhắn của ứng dụng Zalo trên điện thoại thông minh (có kết nối dịch vụ wifi hoặc 3G), từ đó những cán bộ có trách nhiệm nhanh chóng nắm bắt, chỉ đạo xử lý. Kết quả giải quyết ngay sau đó cũng được báo cáo lại trong nhóm bằng hình ảnh.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cán bộ truyền thông của URENCO cho biết, thực tế triển khai cho thấy, hoạt động giám sát, xử lý vệ sinh môi trường qua Zalo đem lại kết quả rất tích cực. Qua đây, thông tin được phản ánh nhanh và xử lý kịp thời. Trung bình mỗi ngày “Tổ công tác biệt phái” tiếp nhận và xử lý 15-20 trường hợp. Thời gian từ thông tin phản ánh đến khi có báo cáo xử lý xong chưa đầy một giờ đồng hồ.

Ngoài “Tổ công tác biệt phái”, tại URENCO còn có một số nhóm chat sử dụng ứng dụng mạng xã hội Zalo cho công tác giám sát, điều hành và xử lý tồn tại về vệ sinh môi trường. Các nhóm này có 20-30 thành viên, chia thành các lĩnh vực: Điều hành sản xuất, kỹ thuật,... Tại các xí nghiệp chi nhánh cũng lập các nhóm chat tương tự để kết nối điều hành, xử lý ngay thông tin vệ sinh môi trường khi được phản ánh.

Tương tự URENCO, hiện nhiều quận trên địa bàn Hà Nội đã áp dụng Zalo, Viber mang lại hiệu quả như: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân… Tại quận Đống Đa, Ban Chỉ đạo 197 quận đã thiết lập nhóm công tác sử dụng Zalo phục vụ công tác chỉ đạo, kiểm tra và giải quyết các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, do một Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách. Nhóm này cũng kết nối đơn vị chức năng và các phường để xử lý những tồn tại về vệ sinh môi trường. Qua công tác kiểm tra, các tồn tại được các thành viên thông tin ngay lên nhóm như: Chụp ảnh, thông tin địa điểm, ngày giờ...

Nhờ vậy, lãnh đạo các phường nhanh chóng nắm bắt, có trách nhiệm chỉ đạo xử lý và báo cáo kết quả trên nhóm để lãnh đạo quận nắm rõ. Đáng kể là hầu hết các vụ việc đều được giải quyết trong khoảng một giờ đồng hồ sau khi lãnh đạo địa bàn nhận được phản ánh. Nhờ đó, tính đến hết tháng 8-2018, quận Đống Đa đã có 550 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, 200 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường... được kịp thời phát hiện, xử lý.

Trong khi đó, ở cấp thành phố, ông Đinh Minh Trí - Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2017, Sở đã lập nhóm Zalo “Đôn đốc vệ sinh môi trường”. Nhóm có khoảng 100 thành viên, kết nối trao đổi thông tin giữa Sở Xây dựng, cán bộ liên quan của Sở và UBND quận, huyện, thị xã để cập nhật công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố và các địa phương.

“Việc sử dụng ứng dụng mạng xã hội đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, giám sát hoạt động vệ sinh môi trường ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp hơn. Đặc biệt, tốc độ thông tin, giám sát, xử lý vụ việc nhanh hơn, chỉ qua một lần báo cáo và mọi thành viên đều nắm bắt được”, ông Đinh Minh Trí đánh giá.

Phát huy hiệu quả từ cách làm này, đầu tháng 10-2018, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn 8792/SXD-HT gửi UBND các quận, huyện, thị xã, nhân thêm các nhóm chat sử dụng ứng dụng Zalo, Viber trong công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, để Hà Nội thêm sạch, thêm đẹp.

Dạ Khánh