Xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện
Công nghệ - Ngày đăng : 07:03, 08/11/2018
Công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Tại hội nghị sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ do EVN tổ chức mới đây, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cảnh báo, với nhu cầu than cho sản xuất điện của cả nước đến năm 2020 là 63 triệu tấn, năm 2025 là 95,4 triệu tấn, tương đương tổng lượng tro thải ra là 15,09 triệu tấn (năm 2020), 17 triệu tấn (năm 2025).
Vì thế, để bảo đảm các nhà máy nhiệt điện than hoạt động ổn định, cần khẩn trương tìm giải pháp để tiêu thụ lượng tro, xỉ đang phát sinh và còn tồn tại các bãi thải. Đây cũng là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn. Tại Nhật Bản, 100% tro, xỉ được sử dụng sản xuất vật liệu xây dựng, còn tại Hàn Quốc, tỷ lệ sử dụng cũng lên tới 95%.
Theo tính toán, 1 tấn tro bay có thể sản xuất ra 600 viên gạch không nung (kích thước tiêu chuẩn). Năm 2030, với khoảng 20 triệu tấn tro bay thải ra, có thể sản xuất được 12 tỷ viên gạch, trong khi dự báo nhu cầu tiêu thụ gạch của Việt Nam năm 2030 là 40 tỷ viên/năm.
Việc sản xuất gạch từ tro bay có rất nhiều ưu điểm. Các đơn vị sản xuất gạch không tốn nguyên liệu đất sét và than để nung, tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất. Chưa kể, tro bay có kích cỡ nhỏ, rất mịn nên gạch tạo ra có bề mặt nhẵn, không cong vênh, kích thước chuẩn theo đúng khuôn ép, rất thuận lợi khi xây dựng.
Theo EVN, đơn vị đang quản lý vận hành 12 nhà máy nhiệt điện than với tổng khối lượng than sử dụng trung bình năm khoảng 34 triệu tấn; thải lượng tro, xỉ hằng năm trung bình khoảng 8,1 triệu tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng tro, xỉ còn lưu giữ tại các bãi thải xỉ của nhà máy là gần 15 triệu tấn.
Thời gian qua, EVN đã có nhiều giải pháp xử lý tro, xỉ nhiệt điện, giảm ô nhiễm môi trường. Từ việc đầu tư dây chuyền vận chuyển hiện đại khép kín, xây dựng bãi thải xỉ, chôn lấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật, trồng cây xanh chống phát tán, tăng cường giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện khắc phục các yếu tố bất thường.
Mặt khác, các nhà máy nhiệt điện đã chủ động phối hợp với đơn vị khác để tái sử dụng tro, xỉ làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung, san lấp mặt bằng... Hiện hầu hết các nhà máy đã tìm và ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro, xỉ của nhà máy. Điển hình như các nhà máy Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hoàn toàn lượng tro, xỉ thải ra.
Tuy nhiên, theo EVN, các nhà máy nhiệt điện nói chung và của EVN nói riêng đang gặp khó khăn như dung lượng bãi thải xỉ theo thiết kế không thể mở rộng thêm trong khi lượng tro, xỉ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó là những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong các quy định của văn bản luật; nhận thức của cộng đồng xã hội về tro, xỉ còn chưa đầy đủ dẫn đến việc xử lý, tiêu thụ càng gặp khó.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho rằng, một trong các giải pháp quan trọng là sử dụng tro, xỉ để sản xuất vật liệu không nung, nhưng cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này như lãi suất, thuế thu nhập, thuế VAT... Nhiều doanh nghiệp xử lý tro, xỉ nhiệt điện cũng đề xuất nên quy định cho họ được hưởng một phần chi phí chôn lấp tro thay vì phải mua như hiện nay.
Cùng với đó là tuyên truyền để thay đổi thói quen chuyển từ sử dụng gạch nung sang gạch không nung được sản xuất từ tro, xỉ hay sử dụng tro, xỉ để san lấp mặt bằng, qua đó giúp xử lý được vấn đề môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng.