Áo mới cho thành phố xanh hơn

Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 08/11/2018

(HNM) - Hơn 2 năm kể từ khi Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016-2020) được triển khai, quang cảnh đô thị Hà Nội như được khoác tấm áo mới.

Nhiều tầng cây xanh được trồng trên tuyến đường Xã Đàn. Ảnh: Bá Hoạt


Đẩy nhanh tiến độ

Báo cáo về công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn TP Hà Nội tại cuộc họp ngày 6-11, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, thời gian qua, công tác quản lý, duy trì và trồng mới cây xanh, phát triển công viên, vườn hoa, thảm cỏ được thành phố quan tâm đầu tư. Cùng với đó, thành phố đổi mới phương thức quản lý, duy tu, bảo trì hạ tầng cây xanh, thảm cỏ theo hướng hiện đại và từng bước tăng độ phủ cây xanh.

Hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh của thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành mục tiêu đề ra trước hạn. Trong 10 tháng năm 2018 toàn thành phố trồng mới hơn 387.100 cây, nâng tổng số cây xanh đã trồng lên 927.800 cây, đạt 92,78% mục tiêu của chương trình.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Vũ Kiên Trung, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trong 2 năm 2016-2017, Hà Nội đã trồng được gần 500 nghìn cây xanh, trong đó có gần 40 nghìn cây xanh đô thị có đường kính lớn; gần 50 nghìn cây hoa, cây cảnh khóm lưu niên; gần 40 nghìn mét vuông (khoảng 800 nghìn cây) các loại cây mảng hoa, cây thảm được trồng ở những tuyến đường, phố trung tâm đã góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô.

Đặc biệt, nhiều chủng loại cây mới được đưa vào trồng ở Hà Nội tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị, như: Cây sang, hoa ban, chà là, cọ dầu, bàng lá nhỏ, long não, giáng hương, lộc vừng, phong... Một số tuyến đường, phố có hệ thống cây được trồng mới và trồng bổ sung hoàn thiện như Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, khu vực Công viên Lênin, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Đại lộ Thăng Long...

Đáng chú ý, hệ thống cây xanh được hoàn thiện trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công (đoạn từ Cầu Giấy đến Sân bay quốc tế Nội Bài) được coi là mẫu mực trong việc thiết kế, trồng và chăm sóc hệ thống cây xanh. Với chiều dài khoảng 10,5km, tuyến đường này đang ngập sắc xanh với hàng nghìn cây phát triển tươi tốt. Tuyến đường được nghiên cứu trồng 5 tầng cây xanh với 5 loại cây khác nhau ở dải phân cách giữa.

Ba tầng dưới cùng là hệ thống cây cảnh nhiều màu sắc, được trồng thành hình ngôi sao năm cánh. Hai tầng phía trên là cây xoài và cây chà là, nhiều đoạn được trồng hoa ban xen kẽ long não. Cùng với đó, trải dài hơn 4km dọc theo đường Võ Chí Công là hàng nghìn cây phượng trồng ở hai bên đường phát triển thẳng tắp, tán đẹp, là điểm nhấn, tạo nên sự hài lòng cho du khách mỗi khi tới Thủ đô.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá cao Chương trình phát triển 1 triệu cây xanh của Hà Nội vào năm 2020 và mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống người dân. Việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau để tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện là định hướng phù hợp trong việc phát triển cây xanh đô thị.

Hiện đại hóa công tác cắt tỉa cây xanh

Cắt tỉa cây xanh trên các tuyến phố bằng phương tiện hiện đại.


Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, bên cạnh việc trồng mới, công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đô thị những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc. Việc đầu tư trang bị các loại máy móc hiện đại, cơ giới hóa đã tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực này.

Tính riêng 2 năm 2016 và 2017, thành phố đã thực hiện cắt sửa được gần 80.000 cây xanh, trong khi các năm trước con số này chỉ từ 3.000 đến 4.000 cây/năm. Việc cắt sửa và chăm sóc cây xanh đô thị đã cải thiện được cảnh quan, kiến trúc trên các tuyến phố, thúc đẩy cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại cây đổ, cành gãy trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, từ năm 2016 đến nay, khi được thành phố trang bị 12 xe nâng để thực hiện cắt tỉa cây thì công việc này được tiến hành thường xuyên trong năm. Trước mùa mưa bão năm 2018, công ty đã cắt tỉa được khoảng 25.000 cây, chặt hạ 300 cây chết, sâu mục trên khoảng 200 tuyến phố.

Hiện nay, đơn vị được trang bị 15 xe nâng cắt tỉa cây với các độ cao khác nhau, đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc, cắt tỉa cây được giao quản lý. Việc trọng tâm là cắt tỉa cây xà cừ, muồng, phượng, các cây có đường kính và chiều cao lớn. Trong đó, cây nặng tán, những cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn để không gây nguy hiểm.

"Để việc cắt tỉa cây xanh bảo đảm mỹ quan, hạn chế gãy đổ, thành phố đã yêu cầu công ty nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3D; nghiên cứu hướng gió, hướng ánh sáng để cắt, tỉa cây hợp lý, nhằm hạn chế cây cong, nghiêng, bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Các trường hợp kiến nghị của người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn liên quan đến cây xanh sâu mục, cong nghiêng mất an toàn đều được công ty xử lý kịp thời", ông Nguyễn Đức Mạnh nhấn mạnh.

Có thể nói, hơn 2 năm kể từ khi Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016-2020) được triển khai, Hà Nội đã dần thay đổi diện mạo theo hướng tích cực. Một thành phố xanh "vì hòa bình" đang hiện hữu không chỉ là điểm nhấn mà còn là niềm tự hào để người dân Thủ đô giới thiệu với bè bạn quốc tế. Việc nối dài những mảng xanh sẽ mang lại cho cảnh quan thành phố cũng như cuộc sống người dân thêm nhiều giá trị bền vững hơn nữa.

Phương Nhi