Tạo đột phá từ cải cách hành chính

Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 08/11/2018

(HNM) - Đặt công tác cải cách hành chính trong bối cảnh của “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, TP Hà Nội đã và đang thực hiện các giải pháp cải cách mạnh mẽ, vì người dân và doanh nghiệp.


Theo đánh giá sơ bộ, đến nay cơ bản 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2018 đã bám sát kế hoạch đề ra. Hà Nội tiếp tục có đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước, nổi bật như dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài... Để đạt được kết quả đó, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tạo chuyển biến trong công tác cải cách hành chính.

Song, so với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, công tác này cần đẩy mạnh hơn nữa. Vì vậy, trong hai tháng còn lại của năm 2018, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp, biện pháp để cải cách hành chính một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Cụ thể, cuối tháng 10-2018, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 5134/UBND-KSTTHC, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương kiện toàn tổ chức, nhiệm vụ bộ phận “một cửa”. Thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bố trí trụ sở, trang thiết bị của bộ phận “một cửa” cơ quan, đơn vị bảo đảm thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Cùng với đó là bố trí cán bộ, công chức làm ở bộ phận “một cửa” đủ trình độ chuyên môn; thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi vi phạm quy định...

Lưu ý làm tốt khâu tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tuyên truyền, công khai minh bạch kết quả cải cách hành chính để người dân, doanh nghiệp biết. Đây cũng là tiền đề để từ nay đến hết năm 2018, thành phố tổ chức điều tra xã hội học, xác định Chỉ số cải cách hành chính tại 22 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.

Việc điều tra xã hội học nhằm thu thập thông tin, ý kiến đánh giá khách quan, toàn diện để xác định Chỉ số cải cách hành chính trong nội bộ thành phố năm 2018, từ đó phát huy những kết quả đạt được, khắc phục điểm yếu, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Một nhiệm vụ nữa được thành phố đặt mục tiêu phải thực hiện sớm là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Từ ngày 26-10-2018, thành phố đã đồng loạt đưa hệ thống phần mềm “một cửa điện tử”, cổng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung vào khai thác, sử dụng. Đây mới là bước khởi đầu cho một phương thức giải quyết thủ tục hành chính hiện đại. Song, UBND thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2018 có 57% số thủ tục hành chính được xử lý qua “một cửa điện tử”.

Trong các buổi làm việc với một số quận, huyện (Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông trong triển khai xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin “một cửa điện tử” cấp thành phố, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, dễ sử dụng.

Chuẩn hóa, thống nhất quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố trên tinh thần cải cách mạnh mẽ và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp là đòi hỏi cấp thiết. Bởi từ khâu đột phá này mới tạo được môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, Hà Nội đang rất quyết liệt trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức với phương châm: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Thành Tâm