Vẫn còn nhiều băn khoăn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 08/11/2018
Việc sửa đổi Nghị định sẽ giúp hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường phát triển tốt hơn. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Đỗ Văn Thúy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoài Đức: Kinh doanh karaoke, vũ trường phải theo quy hoạch
Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thông tin ở cơ sở, tôi rất đồng tình khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo nghị định này vì một số quy định về hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường tại các nghị định, văn bản hướng dẫn trước đây không còn phù hợp, thiếu một số quy định về việc cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép…, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Tuy nhiên, dự thảo không quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke và dịch vụ vũ trường “phải phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hay quy hoạch về vũ trường ở từng địa phương” như nghị định cũ.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vũ trường, nhưng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý vì chắc chắn nếu không theo quy hoạch, 2 loại hình dịch vụ này sẽ “nở rộ”, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sẽ rất khó kiểm soát. Theo tôi, dự thảo nên đưa thêm điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là phải theo quy hoạch, như vậy việc quản lý sẽ tốt hơn.
Ông Lương Mậu Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy: Quy định lại giờ hoạt động của dịch vụ karaoke, vũ trường
Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có nhiều điểm mới “cởi trói” cho doanh nghiệp. |
Bên cạnh những quy định mới nhằm giải quyết những bất cập đang diễn ra hiện nay về kinh doanh karaoke, vũ trường, tôi thấy một số điểm thay đổi trong dự thảo sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Đó là quy định không được hoạt động kinh doanh từ 2h đến 8h sáng, điều này đồng nghĩa với việc, các cửa hàng kinh doanh karaoke, vũ trường chỉ phải đóng cửa sau 2h sáng.
Trước đây, khi quy định khung giờ đóng cửa các loại hình này là 12h đêm đã nảy sinh nhiều bất cập, vì hầu hết các cửa hàng đều cố tình hoạt động quá giờ, gây tiếng ồn trong khu vực, người dân xung quanh bức xúc, an ninh trật tự bị ảnh hưởng, nay nếu kéo dài thêm 2 tiếng hoạt động chắc chắn sẽ kéo theo nhiều phức tạp.
Một điểm làm khó thêm cho các cơ quan quản lý là sự mâu thuẫn trong quản lý giờ giấc ở các lĩnh vực khác nhau. Trong khi các hoạt động kinh doanh khác phải đóng cửa từ sau 22h thì dịch vụ karaoke và vũ trường hoạt động đến 2h sáng. Theo tôi, dự thảo nên nghiên cứu, điều chỉnh quy định này sao cho phù hợp nhất.
Chị Bùi Thu Huệ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai: Không nên bỏ thủ tục cấp giấy phép
Nhiều tháng nay, gia đình tôi phải chịu đựng sự “tra tấn” của những bài hát chát chúa, ầm ĩ của cơ sở kinh doanh “Hát cho nhau nghe” hay cà phê ca nhạc… trên địa bàn phường. Dù đã nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng này chỉ tạm lắng vài ngày rồi đâu lại hoàn đấy.
Qua theo dõi được biết, dự thảo bỏ thủ tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke, thay vào đó các tổ chức, cá nhân chỉ cần thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke gồm: Hồ sơ, trình tự thông báo, thông báo sửa đổi, bổ sung phòng hát, địa điểm hoạt động, chấm dứt hoạt động...
Việc này đã “cởi trói” cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hai loại hình dịch vụ này nhưng tôi e rằng, nếu không đưa ra những quy định, chế tài chặt chẽ hơn thì sự “thông thoáng” này sẽ tạo điều kiện cho hàng loạt cửa hàng kinh doanh karaoke mọc lên như nấm. Và việc kiểm tra, xử lý sẽ càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông: Quy định cụ thể khoảng cách, độ ồn để nhân dân giám sát
Tôi được biết, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6-11-2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ công cộng quy định rất rõ điều kiện kinh doanh vũ trường, karaoke, đó là: Phòng khiêu vũ, cửa hàng kinh doanh karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên; bảo đảm các điều kiện về cách âm và phòng, chống cháy nổ.
Thế nhưng dự thảo lại bỏ hẳn quy định về khoảng cách. Như vậy, các dịch vụ này có thể được hoạt động sát các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước? Điều đó liệu có hợp lý không khi các cơ quan này cần sự yên tĩnh để hoạt động? Theo tôi, cơ quan soạn thảo nên xem xét lại quy định này, tránh những hệ lụy phát sinh trên thực tế.
Ngoài ra, dự thảo nên quy định cụ thể mức độ tiếng ồn cho phép... để chính người dân có thể giám sát hoạt động của các dịch vụ này, hạn chế đơn thư, khiếu kiện không đáng có.