Củng cố hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:53, 08/11/2018
Lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ Hợp tác xã Nông nghiệp xã Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín). Ảnh: Xuân Tiến |
Những khó khăn mới phát sinh
Sau khi sắp xếp mô hình hệ thống chính trị địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU, thực tiễn đang đặt ra một số vấn đề. Trước hết là số chi bộ thôn, tổ dân phố có đông đảng viên ngày càng tăng. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, trước khi thực hiện đề án, toàn thành phố có 74 chi bộ thôn, tổ dân phố có từ 100 đảng viên trở lên trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn.
Đến nay, con số này đã tăng lên 368 chi bộ thôn, tổ dân phố, trong đó có 35 chi bộ có từ 150 đảng viên trở lên; 6 chi bộ có 200 đảng viên trở lên. Chi bộ đông đảng viên nhất là Chi bộ thôn Đoàn Kết, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây có tới 238 đảng viên. Điều này khiến công tác tổ chức sinh hoạt, quản lý đảng viên gặp khó khăn.
Sau khi thực hiện đề án, số đảng bộ bộ phận trên địa bàn dân cư trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn ở Hà Nội cũng tăng từ 1 lên 23. Theo Ban Tổ chức Thành ủy, qua thực tiễn hoạt động của đảng bộ bộ phận trong thời gian qua, có 3 vấn đề đặt ra. Trong đó, do hình thành thêm một tầng nấc trung gian trong hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư, nên việc triển khai nghị quyết của đảng ủy xã, phường đến đảng viên chậm hơn...
Chưa kể số thôn, tổ dân phố hiện chưa bảo đảm về quy mô số hộ dân theo thông tư của Bộ Nội vụ quy định còn cao. Cụ thể, toàn thành phố có 78/2.550 thôn dưới 100 hộ (tỷ lệ 3%); 3.082/5.420 tổ dân phố có dưới 150 hộ (chiếm tỷ lệ 58,6%). Cùng với đó, dân cư ở phường, thị trấn được tổ chức theo tổ dân phố, ở xã tổ chức theo thôn. Thế nhưng, đến nay một số nơi (như các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Thanh Trì) chưa sắp xếp, đặt tên gọi các địa bàn dân cư thống nhất theo quy định chung, nơi gọi là cụm dân cư, nơi gọi là “phố”.
Đáng chú ý, bộ máy ở các thôn đang “phình” ra, trong khi vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể nhân dân lại không được thúc đẩy.
Đòi hỏi sự chủ động của cấp ủy
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, khối lượng, mục tiêu nhiệm vụ của Đề án số 06-ĐA/TU vẫn còn rất lớn và khó hơn. Vì vậy, các cấp, ngành cần đánh giá kỹ hơn những vấn đề thực tiễn phát sinh, đặc biệt là những bất cập, khó khăn liên quan đến gia tăng quy mô dân số; các chi bộ có đông đảng viên, mô hình đảng bộ bộ phận; mô hình thí điểm kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố...
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, đối với chi bộ có từ 100 đảng viên trở lên, đảng ủy các xã, phường, thị trấn cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ, kịp thời chỉ đạo, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, thiếu sót trong việc duy trì và chấp hành kỷ luật, nguyên tắc trong sinh hoạt chi bộ; chủ động trong công tác cán bộ, nhất là chức danh bí thư chi bộ.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ không mở rộng phát triển mô hình đảng bộ bộ phận thôn, tổ dân phố trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; đồng thời tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ bộ phận đã thành lập.
Những vấn đề đặt ra sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU đòi hỏi sự chủ động của cấp ủy quận, huyện, thị xã và các phường, xã, thị trấn. Là nơi có nhiều đảng bộ bộ phận thuộc xã, thị trấn (13/23), Đảng bộ huyện Mê Linh sẽ triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các đảng bộ bộ phận hoạt động đúng chức trách, nhiệm vụ. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Lỗ Xuân Hòa cho biết, sẽ làm việc với các xã, thị trấn để bàn cụ thể về từng đảng bộ bộ phận.
Trong khi đó, tại quận Long Biên, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố. Dự thảo đề án đã được báo cáo bước đầu với Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Nếu được thông qua và đi vào thực hiện, đề án có thể giúp tinh giản hàng trăm nhân sự, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.
Quận Long Biên là đơn vị đầu tiên được giao thí điểm và Ban Tổ chức Thành ủy đang tham mưu để có thêm một huyện tham gia thí điểm nội dung này. Đây là bước đi tiếp theo, hướng tới mục tiêu cao hơn của Đề án số 06-ĐA/TU, tiếp tục củng cố hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.