Không để doanh nghiệp "lách luật"
Công nghệ - Ngày đăng : 07:29, 10/11/2018
Ô nhiễm môi trường do chất thải túi ni lông hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Chỉ riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông, trong đó phần lớn là túi ni lông khó phân hủy.
Tác hại là vậy, nhưng hiện nay, việc sử dụng túi ni lông trở thành thói quen của người dân Việt Nam. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có một "lỗ hổng" khá quan trọng liên quan đến thuế. Hiện mỗi năm ngành nhựa Việt Nam nhập hơn 4 triệu tấn nguyên liệu nhựa, trong đó có trên 1,3 triệu tấn nguyên liệu nhựa PE. Nếu chỉ cần 1/3 lượng nhựa PE nhập về để sản xuất túi ni lông sẽ có khoảng 500.000 tấn bao bì, túi ni lông đưa ra thị trường. Nếu đánh thuế đầy đủ lượng bao bì/túi ni lông sản xuất theo quy định (40.000 đồng/kg) thì ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Trường hợp Luật Thuế bảo vệ môi trường bổ sung các đối tượng nguyên liệu nhựa khác (PP, PVC, PET, PS…) như tại nhiều nước trên thế giới thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng thêm 3-4 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp “lách luật” theo cách, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng túi ni lông thuê doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa gia công cho mình để không phải chịu thuế. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất túi ni lông (khoảng 70%) là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và nộp thuế khoán, nên khó kiểm tra. Điều này cũng gây thất thu nguồn thuế bảo vệ môi trường.
Siết chặt vấn đề này, ngày 29-10-2018, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 10487/VPCP-KTTH, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo những nội dung phản ánh về thuế đối với túi ni lông. Đây là điều hợp lý nhằm tránh thất thu ngân sách, mà quan trọng là góp phần để người dân thay đổi thói quen dùng túi ni lông.