Giáo dục toàn diện: Đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng

Giáo dục - Ngày đăng : 07:41, 10/11/2018

(HNM) - Nghị quyết số 29/NQ-TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ một số mặt hạn chế của giáo dục - đào tạo, đồng thời xác định: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.

Các em học sinh cần được nhà trường, gia đình và xã hội quan tâm để phát triển toàn diện. Ảnh: Nhật Nam


Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Lắng nghe, chia sẻ giúp các em hoàn thiện đạo đức, nhân cách

Môi trường giáo dục được coi là môi trường trong sạch, cao quý nhất. Ở đó có những tấm gương thầy, cô giáo truyền ngọn lửa nhiệt huyết về niềm đam mê nghiên cứu học hành, dạy cho trò bài học về lẽ phải, sự công bằng, lòng thương yêu, nhân ái. Nhưng hiện nay, tâm lý học sinh khác ngày xưa, ưa hướng ngoại và mở rộng tầm nhìn. Việc giáo dục nhân cách, đạo đức đòi hỏi các thầy, cô không chỉ tâm huyết, nêu gương mà còn phải có kỹ năng khơi dậy lòng tự trọng, tự giác, ý chí, nhận thức tốt của học trò.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm giáo dục học sinh có cá tính và hoàn cảnh đặc biệt ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), tôi càng tâm đắc câu nói của triết gia Pháp Michel de Montaigne: Phải dạy kỹ cho con trẻ ghét các tật xấu từ chính nếp sống của nó. Trên cơ sở đó, trường đã lưu hành cuốn sổ tay học sinh với 5 tiêu chí: Tự học sáng tạo, tự chủ, tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm để khơi dậy ý thức rèn luyện của học sinh, giúp các em tự điều chỉnh bản thân tiến bộ dưới sự giúp đỡ, theo dõi của giáo viên. Đồng thời, có mô hình “Lớp học hạnh phúc” với chủ đề: Thầy, cô thay đổi để học trò được hạnh phúc. Cụ thể là mỗi thầy, cô phải vượt qua khó khăn của chính mình, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, nâng cao nhận thức về giá trị sống, đổi mới cách tiếp cận học sinh, lắng nghe chia sẻ giúp các em hoàn thiện đạo đức, nhân cách.

Cô giáo Phùng Thị Chúc, bộ môn toán, Trường THCS Tứ Liên (quận Tây Hồ):
Phụ huynh không nên phó mặc cho nhà trường

Giáo dục học sinh thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phải đối diện với nhiều thử thách. Đó là cha mẹ chịu sức ép lớn của công việc, sự quan tâm con cái ít hơn. Trong khi đó, học sinh tiếp cận nhiều luồng tri thức, tư tưởng từ thế giới mở, nên cái tôi rất lớn, luôn muốn thể hiện bản thân, nhiều khi chểnh mảng lời dạy của phụ huynh và thầy, cô...

Bởi vậy, giáo viên không chỉ ý thức rèn luyện bản thân có sức khỏe tốt, đạo đức tốt, dạy thật tốt, mà còn phải rèn luyện trong mọi mặt đời sống, để mỗi người là một tấm gương sáng dẫn đường. Song, thực tế cho thấy, dù thầy, cô có cố gắng thế nào, môi trường giáo dục tốt đến mấy vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình. Thầy cô dạy tốt nhưng gia đình không ủng hộ, phối hợp tốt, thì sự dạy dỗ của thầy, cô bị mai một. Do vậy, để con không hư, các bậc phụ huynh không nên phó mặc cho nhà trường.

Nhà giáo Hoàng Liên Minh, 50 năm liên tục giảng dạy học sinh THPT:
Muốn trò ngoan, thầy cô phải có đức hy sinh

Nghề giáo luôn được cả xã hội đề cao, tôn vinh là nghề cao quý, nhưng phải hiểu rằng sự trân quý ấy không phải nghiễm nhiên, mà từ xưa đến nay, biết bao nhiêu lớp nhà giáo chân chính luôn bền bỉ rèn luyện để làm gương cho học trò. Tôi cho rằng không có học sinh hư, chỉ có học sinh cá biệt do chưa được nhận phương pháp giáo dục phù hợp. Điều này tôi đúc kết qua kinh nghiệm giảng dạy suốt 50 năm qua. Với những em chưa "thuần", chúng tôi không dùng cách thức thông thường là kiến thức, kỹ năng sư phạm, mà dùng đến đức hy sinh và tình cảm thương yêu từ trái tim để dần dần cảm hóa, giúp các em tự chuyển hóa bản thân. Những học sinh được “nuôi dưỡng" bằng tình yêu thương của thầy, cô đều trở thành những nhân tố tích cực, thậm chí vươn lên dẫn đầu và là người chuẩn mực.

Chị Phạm Ánh Tuyết, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội):
Phải tránh bệnh thành tích

Không thể phủ nhận công lao to lớn của các thầy, cô giáo, nhưng cũng có nhiều điều từ phía một số thầy, cô khiến các bậc phụ huynh nói chung, cá nhân tôi nói riêng trăn trở. Về góc độ rộng thì hiện nay đang tồn tại một vấn đề có thể nói là căn bệnh kinh niên trong ngành Giáo dục là tình trạng chạy theo thành tích, hư danh bằng mọi cách. Những con số phần trăm tròn trịa về tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, tỷ lệ đỗ đại học năm sau cao hơn năm trước - Nhìn bề ngoài, đây là tín hiệu mừng. Nhưng thực chất ở nhiều nơi, sự đánh giá đó không dựa trên những tiêu chí khoa học và năng lực thực sự của các em mà do ý muốn chủ quan của người thầy, người quản lý, khiến học sinh ảo tưởng về bản thân, xem nhẹ việc tự rèn luyện nhân cách, đạo đức, vì được ghi nhận là giỏi, là ngoan. Bên cạnh đó, ở góc độ gia đình, nhiều bậc phụ huynh có tâm lý thích khoe con hơn khoe của, nên khiến con em của mình tự mãn, không có ý chí phấn đấu, hoàn thiện bản thân.

Linh Nhi