Hiện đại hóa cấp điện nông thôn: Mục tiêu quan trọng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 10/11/2018
Công nhân Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cấp điện cho người dân vùng ngoại thành. Ảnh: Ngọc Hà |
Người dân hưởng lợi từ bàn giao lưới điện
Trước đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Phúc Lâm, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) xây dựng lưới điện và bán điện cho nhân dân. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động mà không được sửa chữa thường xuyên, lưới điện đã xuống cấp, chất lượng cấp điện không bảo đảm, giá điện liên tục tăng… nên người dân nơi đây bức xúc. Đây cũng là tình trạng chung tại không ít địa phương ngoại thành Hà Nội. Và để khắc phục, thành phố đã có chủ trương giao các công ty điện lực tiếp nhận lại lưới điện nông thôn để vận hành. Từ chủ trương này, Công ty Điện lực Mỹ Đức đã tiếp nhận nguyên trạng hệ thống điện của Hợp tác xã Nông nghiệp Phúc Lâm và đầu tư hơn 10 tỷ đồng thay thế cột điện, dây dẫn, công tơ đo đếm điện…, bảo đảm cung cấp điện ổn định.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Mỹ Đức cho biết, hiện công ty đã tiếp nhận lưới điện hạ áp của 17/21 xã, thị trấn thuộc huyện Mỹ Đức. Trong khi tại huyện Ứng Hòa, Công ty Điện lực Ứng Hòa đang quản lý lưới điện của 28/29 xã, thị trấn. Còn tại huyện Chương Mỹ, Công ty Điện lực Chương Mỹ quản lý lưới điện của 27/32 xã, thị trấn… Lưới điện tại các xã còn lại do hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài ngành Điện quản lý. Các đơn vị này đều được Sở Công Thương cấp giấy phép hoạt động kinh doanh, ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp đến 100% số khách hàng và áp giá bán điện đúng quy định của Nhà nước…
Theo ông Trần Xuân Hùng, Trưởng ban Kế hoạch (Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội), tính từ ngày 1-8-2008 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện của 245 xã và một phần của 17 xã, bán điện trực tiếp đến hơn 600.000 hộ dân. Khi mới tiếp nhận, phần lớn lưới điện nông thôn đều trong tình trạng cũ nát, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, mất an toàn, tổn thất điện năng lên tới 30% và phần lớn người sử dụng điện không được mua điện đúng giá quy định... Đáp ứng yêu cầu vận hành và kinh doanh điện, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện, đặc biệt là dồn lực để xóa ngay những “điểm lõm”, những khu vực chưa có điện; ủy quyền cho các công ty điện lực trực thuộc ký hợp đồng dịch vụ điện năng với các tổ chức, cá nhân…
"Đến nay, 100% số hộ dân trên địa bàn thành phố đã được cung cấp điện từ hệ thống lưới điện quốc gia với độ tin cậy ngày một tốt hơn. Đặc biệt, vấn đề tổn thất điện năng tại khu vực nông thôn đã giảm mạnh, từ mức 20-30% lúc mới tiếp nhận, xuống còn mức 6,2% thời điểm hiện nay…" - ông Trần Xuân Hùng thông tin.
Từng bước hiện đại hóa lưới điện
Cải tạo lưới điện hạ thế tại xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa). |
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác quản lý điện nông thôn là còn nhiều tuyến dây truyền tải chưa được bọc nhựa, hạ ngầm; một số nơi thiếu trạm biến áp trung gian và biến áp hạ thế. Đặc biệt, phần lớn khách hàng khu vực nông thôn hiện nay mới được lắp đặt công tơ đo điện cơ khí, có độ chính xác chưa cao, dễ xảy ra sai sót trong quá trình chốt số điện tiêu thụ hằng tháng… Để nâng cao chất lượng cấp điện nông thôn, tiếp tục giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, nhu cầu về nguồn lực để tập trung đầu tư hoàn thiện lưới điện nông thôn, thay thế công tơ đo điện cơ khí bằng công tơ điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành… của các đơn vị điện lực rất lớn.
Làm rõ hơn việc này, ông Trần Ngọc Mười, Giám đốc Công ty Điện lực Chương Mỹ cho biết, giai đoạn 2018-2020, huyện Chương Mỹ cần xây mới 996 trạm biến áp, 1.262km đường dây trung áp, 794km đường dây hạ áp, cải tạo 246 trạm biến áp… Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Mỹ Đức chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện Mỹ Đức là chưa có trạm biến áp 110KV, lưới điện truyền tải dài hơn 40km... Bên cạnh đó, nguồn điện của huyện Mỹ Đức phụ thuộc 3 đường dây xuất tuyến từ Trạm biến áp Vân Đình nên khi gặp sự cố, thiên tai, khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng, thời gian khôi phục kéo dài…
Tương tự, Công ty Điện lực Ứng Hòa cũng đang đề xuất đầu tư xây thêm trạm biến áp 110KV, các lộ xuất tuyến và 100 trạm biến áp hạ thế phục vụ hơn 100 khu sản xuất nông nghiệp đa canh trên địa bàn huyện…
Về công tác đầu tư hạ tầng lưới điện khu vực nông thôn thời gian tới, ông Trần Xuân Hùng cho biết, giai đoạn 2016-2020, ngành Điện sẽ huy động khoảng 2.267 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội… để xây dựng mới trạm biến áp, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện hạ thế. "Tổng công ty Điện lực thành phố sẽ ưu tiên đầu tư cải tạo lưới điện trung áp, hạ áp bị xuống cấp; chú trọng xây dựng các trạm biến áp để giảm bán kính cấp điện… Ngoài nguồn vốn ngân sách, TP Hà Nội cũng đã có chủ trương thu hút mọi nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu từng bước hiện đại hóa lưới điện nông thôn, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô… Đây là mục tiêu quan trọng của ngành Điện thời gian tới" - ông Trần Xuân Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Thuận, người dân xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức), cho biết: “Trước đây, tình trạng mất điện trên địa bàn xã xảy ra thường xuyên, nhất là những ngày hè nắng nóng, mưa bão. Nhưng từ khi Công ty Điện lực Mỹ Đức tiếp nhận, quản lý, vận hành, nguồn điện ở đây rất ổn định...”. Ông Trần Văn Tuấn, chủ xưởng tái chế nhựa ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), chia sẻ: “Từ khi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú Cầu tiếp nhận, đầu tư lưới điện, tôi đã bỏ thiết bị tăng áp và sắm thêm 2 máy nghiền để mở rộng sản xuất. Người dân ở đây được mua điện đúng giá do Nhà nước quy định...”. Ông Nguyễn Tiến Trung, người dân ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) nhớ lại: “Ngày trước, mỗi khi xảy ra mưa to, gió lớn là cả xã bị ngắt điện. Hôm nào “nhà đèn” chưa kịp ngắt, người dân không dám đến gần cột và đi dưới đường dây dẫn điện... Từ khi Công ty Ðiện lực Chương Mỹ tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp lưới điện do Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Phú bàn giao, người dân nơi đây mới bớt lo xảy ra tai nạn về điện...”. |