Phối hợp đồng bộ để xử lý nợ xấu
Tài chính - Ngày đăng : 07:28, 10/11/2018
Xử lý nợ xấu góp phần bảo đảm ổn định hệ thống tín dụng. Ảnh: Hải Anh |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định, kể từ khi triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 (ban hành ngày 21-6-2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" ban hành ngày 19-7-2017 (Đề án 1058), việc xử lý nợ xấu đã nhanh hơn. Đến thời điểm này, kết quả đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14, cũng như Đề án 1058 rất tích cực. Công tác xử lý nợ xấu đã thực chất, tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn nhờ sự phối hợp của khách hàng với ngân hàng cũng như sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương tốt hơn.
Thông điệp này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra khi quá trình đánh tan "cục máu đông" mang tên “nợ xấu” đã đi được hơn nửa thời gian giai đoạn 2 (2016-2020) của đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 4,11% vào giữa năm 2014, xuống còn 2,55% năm 2015, 2,46% cuối năm 2016 và đến nay còn khoảng 2%.
Điểm đáng lưu ý, năng lực tài chính của các tổ chức được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Đến nay, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt hơn 520 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống hơn 720 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.
Chất lượng tín dụng được cải thiện, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Không còn là “nỗi ám ảnh” với hệ thống ngân hàng nói riêng, cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung, trong những năm qua, nợ xấu đã được giải quyết với khối lượng khá lớn. Cụ thể, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).
Rõ ràng, Nghị quyết 42/2017/ QH14 đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Việc thực thi nghị quyết này đã có kết quả trong hơn một năm qua, nhưng quan trọng nhất là tạo tiền đề trong dài hạn để xử lý nợ xấu. Điểm cộng trong xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2018 không chỉ thể hiện ở con số, mà còn thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Nghị quyết 42/2017/QH14 đã đưa ra một khung khổ pháp lý đặc thù trong xử lý nợ xấu, một việc chưa từng có tiền lệ của Ngân hàng Nhà nước, giúp các cấp, ngành hiểu rõ, việc xử lý nợ xấu không chỉ là việc của ngành Ngân hàng mà của toàn xã hội. Khách hàng ý thức hơn trong việc trả nợ, các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong cách thức xử lý. Các tổ chức tín dụng cũng hạn chế chuyển nợ sang VAMC, mà tích cực xử lý qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, khi sắp xếp lại ngân hàng trong bối cảnh đó và đạt được thành quả như ngày hôm nay là một việc rất khó khăn, đặc biệt là xử lý nợ xấu với hơn 500 nghìn tỷ đồng của nền kinh tế. Giải quyết nợ xấu đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp lớn vào tính ổn định của hệ thống ngân hàng, cũng như tăng trưởng của nền kinh tế.
Mặc dù nợ xấu đã được xử lý về căn bản, nhưng chưa triệt để, nên ngành Ngân hàng cũng như các ngành chức năng cần tiếp tục phối hợp đồng bộ để việc này đạt hiệu quả hơn nữa.