Nhận định rõ tình hình để có giải pháp sát thực

Chính trị - Ngày đăng : 06:56, 10/11/2018

(HNM) - Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội sáng 9-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần tránh nội dung không cần thiết, sáo rỗng, không nội hàm cụ thể, khó vận dụng...

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tiểu ban Kinh tế - Xã hội là một trong 5 tiểu ban được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) quyết định thành lập để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, với nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng tiểu ban, gồm có 51 thành viên.

Tại phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, các thành viên đã tập trung đóng góp vào dự kiến kế hoạch công tác, dự kiến cơ quan thường trực và Tổ Biên tập, dự kiến chương trình tổng thể và lộ trình thực hiện.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta vừa tổng kết, vừa xây dựng chiến lược”. Đây là nhiệm vụ nặng nề, do đó trong triển khai, phải huy động được trí tuệ, có phương pháp tiếp cận tốt và làm sao có nhiều thông tin nhất, cả trong nước và quốc tế để có nhận định và giải pháp tốt. “Không nhận rõ tình hình thì khó đề ra giải pháp sát được”, Thủ tướng nói và nhất trí với các ý kiến cho rằng cần khớp nối các văn kiện, cũng như trong xây dựng văn kiện cần phát huy dân chủ, tập trung.

Thủ tướng nhấn mạnh phải đổi mới phương pháp nghiên cứu, làm văn kiện, “làm sao mình hội nhập tốt, thấy được thách thức, khó khăn, thấy được cơ hội phát triển, nắm bắt tận dụng được để biến khó khăn thành cơ hội. Tôi mong các đồng chí suy nghĩ thật sự sâu sắc, trăn trở trước nhiệm vụ phát triển của ngành, của lĩnh vực, của đất nước trong giai đoạn tới”, Thủ tướng đề nghị.

Về việc thành lập Tổ Biên tập, Thủ tướng cho rằng cần phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong việc triển khai soạn thảo từng nội dung và tổng hợp, biên tập, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền. Việc xây dựng văn kiện tiến hành qua nhiều vòng như khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của cán bộ lão thành, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, xin ý kiến Trung ương, Bộ Chính trị... trước khi trình Đại hội.

Thủ tướng nêu rõ, ý kiến nhân dân vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng văn kiện và nói đến phát triển kinh tế thì không thể thiếu doanh nghiệp, hợp tác xã… “Tất cả các thành viên Tiểu ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất, chất lượng cao nhất các nhiệm vụ, công việc của Tiểu ban được Ban Chấp hành Trung ương giao”, Thủ tướng nhấn mạnh. Theo dự kiến chương trình, trong tháng 11 này, Tổ Biên tập sẽ được thành lập. 

Phương Nguyên