Giữ gìn vẻ đẹp, sự tôn nghiêm của di tích

Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 11/11/2018

(HNM) - Giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan, sự tôn nghiêm là một trong những yêu cầu của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình, đền, chùa… Thế nhưng nhiệm vụ này luôn “gặp khó” bởi tình trạng hàng quán, điểm trông giữ xe và các loại hình dịch vụ khác xâm lấn, bủa vây.

Phương tiện giao thông giăng kín lối vào di tích Hội quán Phúc Kiến (Hoàn Kiếm).


Xô bồ, nhếch nhác

Là điểm đến nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) đặc biệt hấp dẫn du khách nhờ vẻ cổ kính và cảnh quan, không gian rộng lớn, thanh tịnh. Tuy vậy, vẻ đẹp này đang bị tác động tiêu cực bởi hình ảnh dịch vụ, hàng quán lộn xộn trước cổng chùa. Vào dịp lễ, Tết hay ngày rằm, mùng một, việc “ăn theo” di tích còn nở rộ hơn khiến hoạt động tham quan, vãng cảnh của du khách trở nên khó khăn, đồng thời vẻ tôn nghiêm, thanh tịch chốn tâm linh, tín ngưỡng cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù, lực lượng chức năng của phường và quận thường xuyên ra quân chấn chỉnh nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, vi phạm lại “đâu vào đấy”.

Chịu cảnh xô bồ, nhếch nhác nhiều năm qua còn có di tích Bia Bà, thuộc địa bàn quận Hà Đông với nhan nhản hàng quán ôm trọn đường vào. Sân tam quan chùa Mía (thị xã Sơn Tây) thường xuyên có hàng nông sản, bánh kẹo bày bán. Sân chùa Bà Đá bị tận dụng làm điểm trông giữ xe hay khu vực mặt tiền đình Kim Ngân, đình Thanh Hà hoặc Hội quán Phúc Kiến (quận Hoàn Kiếm) thường xuyên bị các phương tiện giao thông án ngữ... Chưa kể, còn có hàng chục đình, đền, chùa, quán khác cũng đang trong tình trạng bị các hộ dân bủa vây, lấn chiếm làm nơi sinh sống, kinh doanh.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố không chỉ có khó khăn ở tình trạng di tích xuống cấp, thiếu kinh phí đầu tư tu bổ, mà còn ở thực trạng di tích bị xâm lấn, chiếm dụng để ăn ở, kinh doanh. Trong đó, số di tích tồn tại những vi phạm này lên tới 166 trường hợp.

Điều kiện kinh doanh thuận lợi là lý do khiến nhiều người dân, dù được nhắc nhở, khuyến cáo, vẫn bất chấp vi phạm. Việc thiếu lực lượng tham gia giám sát cũng như thực trạng xử lý vi phạm không xuể cũng khiến người dân “nhờn” quy định. Ông Nguyễn Trọng An, Ban quản lý Di tích di tích Làng cổ Đường Lâm cho hay: Cứ có lực lượng kiểm tra, giám sát thì hoạt động kinh doanh, buôn bán khu vực chùa Mía trở nên ngay ngắn, gọn gàng nhưng chỉ được ít hôm là dịch vụ, hàng quán lại như cũ.

Một cán bộ an ninh quận Tây Hồ cũng thừa nhận: Tình trạng đất chật người đông, thiếu diện tích trông giữ xe cũng như cho các hoạt động kinh doanh khác cũng khiến các di tích rơi vào tình trạng quá tải. Điển hình như chùa Trấn Quốc, điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của thành phố, thường xuyên thu hút lượng lớn khách tham quan trong khi dịch vụ hạ tầng đi kèm chưa bảo đảm, khiến việc kiểm soát, chấn chỉnh các vi phạm luôn là thách thức.

Nâng cao ý thức trách nhiệm

Nhiều hàng quán tại di tích Bia Bà (quận Hà Đông). Ảnh: Mạnh Hà


Tuy nhiên, việc chấn chỉnh hàng quán, dịch vụ, trả lại sự tôn nghiêm, thanh tịnh cho cảnh quan, không gian di tích không phải là bài toán không lời giải. Trên thực tế, không thiếu những trường hợp lập lại trật tự thành công nhờ sự kiên trì, quyết tâm của chính quyền cũng như ý thức hợp tác của người dân địa phương. Có thể kể đến, chùa Vĩnh Trù, đền Quán Đế… (quận Hoàn Kiếm), địa điểm nổi cộm về lấn chiếm di tích nhiều năm trước, hiện đã trở nên gọn gàng, thoáng đãng hơn rất nhiều, nhờ sự vào cuộc của chính quyền và nhân dân trong khu vực.

Phó Trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: Ban quản lý Phố cổ đã phối hợp với công an phường, quận vận động người dân chấp hành quy định, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời nhờ các phương tiện thông tin truyền thông tích cực tuyên truyền, phản ánh, nhân dân quanh khu vực tham gia giám sát, giữ gìn trật tự khu vực tín ngưỡng tôn nghiêm. Sau một thời gian, không chỉ chùa Vĩnh Trù, đền Quán Đế mà nhiều di tích khác trong khu vực phố cổ cũng đã được lập lại trật tự theo cách này.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân cũng có vai trò quan trọng nhằm trả lại không gian tôn nghiêm, linh thiêng cho di tích. Di tích đã được xếp hạng có nghĩa giá trị văn hóa, lịch sử đã được xác định và người dân cần tôn trọng giá trị ấy theo pháp luật. Điều này cần được tăng cường qua công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân tự nguyện trân trọng, bảo vệ di tích. Bỏ qua công tác này, việc lập lại trật tự trong không gian di tích khó hiệu quả bởi cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng có mặt để thực thi pháp luật.

Đồng tình với nhận xét của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, ông Nguyễn Trọng An, Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm nêu: Chợ Mía đang chuẩn bị đưa vào hoạt động. Chính quyền địa phương cũng đang vận động các hộ kinh doanh quanh khu vực chùa Mía di chuyển vào chợ để cảnh quan, không gian di tích được sạch đẹp, thoáng đãng hơn. Cuộc vận động hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của người dân với di tích, với cộng đồng.

Nguyễn Thanh