Tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam: Cứ đi, khắc đến

Văn hóa - Ngày đăng : 07:09, 11/11/2018

(HNM) - Cuộc thi “Sáng tác, tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam” do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội phát động lần thứ 2 đã trải qua những chặng đường đầy thử thách.

Dẫu biết, hành trình tìm điệu nhảy riêng cho người Việt để phổ biến trong cộng đồng không dễ, nhưng lần này, nhìn các nhóm nhảy hào hứng biểu diễn những điệu mới trong một ngày mùa thu ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích tự tin: “Cứ đi, khắc đến!”.

Các điệu nhảy mang màu sắc, câu chuyện vùng đồng bằng dễ phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Thụy Du


Những “ứng viên” triển vọng

Cuộc thi “Sáng tác, tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam” được Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội kiên trì tổ chức với mong muốn tìm nét chung trong những điệu nhảy của từng vùng miền, từng dân tộc, để sáng tạo thành một điệu nhảy phù hợp với thời đại ngày nay. Ở cuộc thi lần đầu năm 2009, tuy đã trao giải cho 2 điệu nhảy nhưng đó đều là bài trình diễn dài, động tác phức tạp, khó phổ biến.

Lần thứ 2 phát động năm 2017, Ban Tổ chức đã đưa được công thức chung: Các sáng tác phải trên một tiết tấu âm nhạc, mang tạo hình đặc trưng của dân tộc Việt Nam, đơn giản, dễ nhớ, dễ học, hấp dẫn mọi đối tượng và phù hợp trong sinh hoạt tập thể.

Đáng mừng là kỳ này, cuộc thi thu được 10 điệu nhảy sau khi đã vượt qua vòng thẩm định của Ban Chấp hành Hội, Ban giám khảo, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa của thành phố. Bắt đầu từ tháng 6, chúng được chuyển giao về các trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các quận, huyện, thị xã, cùng các câu lạc bộ, nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội để tập luyện.

Đây là khâu thẩm định quan trọng nhất, cho thấy điệu nhảy nào có sức sống trong cộng đồng. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích nhận xét: “10 điệu nhảy lần này đúng tiêu chí của cuộc thi là đẹp, sôi động, dễ học, trong tiết tấu 2/4 hoặc 4/4. Các sáng tác chủ yếu sử dụng chất liệu của dân tộc Kinh, Tày, Thái, H’Mông, Gia Rai. Phần lớn là nhảy đôi nam nữ, chỉ có một điệu vừa nhảy đôi vừa nhảy tập thể”.

Trong số này, có một vài điệu nhảy khá triển vọng, được nhiều đơn vị lựa chọn triển khai. “Vui hội” của tác giả Thúy Loan sáng tác dựa trên hai động tác trống Nhật Tân và trống quay tơ trong kho tàng múa dân gian dân tộc Kinh. Tương tự, “Bước nhảy mùa xuân” của tác giả Nguyễn Thúy Mùi sử dụng bước nhảy chân sáo của dân tộc Kinh. Những bước chân chéo, nhảy nhích cùng nhịp vỗ tay mang đến cảm giác tươi trẻ, vui vẻ. Tác giả Trương Việt Hùng dùng động tác nhún giật trong hệ thống múa dân tộc Kinh làm bước chân cơ bản cho điệu nhảy “Trống cơm”, ngay lập tức khiến mọi người muốn hòa nhịp.

“Nhịp điệu Việt Nam” được tác giả Nguyễn Việt Hà kết hợp tinh tế giữa động tác đi xúng xính, bước nhảy chọi gà của dân tộc H’Mông với bước xoay 5 chuyển của samba, rumba tạo nên sự mềm mại, hài hòa, cuốn hút. Động tác “sat coong” của dân tộc Gia Rai được Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Minh sử dụng linh hoạt trong điệu nhảy “Nhịp điệu Tây Nguyên”. Sự hào sảng, khỏe khoắn được nhân lên khi tác giả kết hợp với động tác đi rung, vừa có thể nhảy đôi, vừa có thể nhảy tập thể trong vòng tròn với số lượng từ vài chục đến vài trăm người…

Kiên trì tới mục tiêu

Sau hơn 4 tháng chuyển giao các điệu nhảy mới về cộng đồng, vừa qua Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức cuộc thi trình diễn các điệu nhảy tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Trình diễn thành công 3 điệu nhảy cùng các bạn trong Câu lạc bộ Khiêu vũ của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai, bạn trẻ Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ: “Những điệu nhảy mới rất khỏe khoắn, rộn ràng, khơi gợi hứng thú cho mọi người. Tôi đặc biệt thích “Vũ điệu Việt Nam” và đã thử hướng dẫn trong cộng đồng. Nó dễ nhớ, phù hợp với mọi lứa tuổi và rất cuốn hút”.

Còn anh Nguyễn Văn Việt, chuyên viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Long Biên nhận xét: “Nhảy vũ điệu mang hơi thở dân tộc, trên nền âm nhạc Việt Nam đem lại cảm xúc và sự phấn khích hơn”.

Hầu hết 10 điệu nhảy đều được các trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao quận, huyện, thị xã, các câu lạc bộ khiêu vũ, cơ quan, đoàn thể thử nghiệm, và đang dần phổ biến rộng hơn. Thực ra, đây chỉ là bước tiếp theo của hành trình sáng tác và tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích chia sẻ: “Chúng tôi biết tổ chức cuộc thi này giống như “đâm đầu vào bức tường đá”. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành lập cả viện nghiên cứu nhưng cũng chưa thành công. Các điệu tango, samba, rumba… để trở thành quốc tế vũ, phổ biến như ngày nay cũng trải qua hàng trăm năm thử thách. Vì vậy, điều chúng ta cần hiện giờ là tìm được những điệu nhảy phù hợp, rồi triển khai mạnh mẽ trong cộng đồng. Tự cuộc sống sẽ sàng lọc dần”.

Có được điệu nhảy đặc trưng cho cộng đồng người Việt là mơ ước của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu. Điệu nhảy đặc trưng dân tộc đủ hấp dẫn giới trẻ sẽ tạo thành một nét sinh hoạt lành mạnh, văn minh… Mơ ước ấy, theo những người trong cuộc, là đã rất gần, chỉ cần kiên trì đúng mục tiêu.

An Nhi