Nhọc nhằn đời sống nữ công nhân
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 12/11/2018
Gặp nhiều khó khăn
Hơn 18h, chị Lê Thị Hà (công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long) vội vàng rời nhà máy về nhà trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Hôm nay, chị Hà đã làm việc liên tục gần 11 giờ đồng hồ. Trên đường về, chị Hà vào chợ ven đường mua vội mớ rau muống, một bìa đậu phụ và một quả trứng vịt.
Gần tuần nay, thực đơn cho bữa tối của chị không thay đổi nhiều, thu nhập không cao nên mỗi khi mua bán gì đều phải cân nhắc. Dù biết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chị và nhiều công nhân khác có lúc vẫn phải chọn thịt, cá, rau, củ không còn tươi vì giá phù hợp, mua được nhiều hơn.
Tư vấn sức khỏe miễn phí cho nữ công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. |
Chị Lê Thị Hà chia sẻ: “Chúng tôi ở đây toàn nữ công nhân. Đi làm về, đợi tắm giặt, nấu ăn qua loa, nằm một lúc là ai cũng lăn ra ngủ vì mệt. Phải ngủ sớm mới đủ sức cho hôm sau tiếp tục làm việc”. Đã 6 năm rời quê đi làm công nhân, hằng ngày, chị Hà chỉ đi từ phòng trọ đến nhà máy và ngược lại, chưa một lần vào trung tâm thành phố.
Chị cũng chẳng biết đi đâu, chơi gì, vì sợ tốn tiền, trong khi còn phải dành dụm tiền gửi về hỗ trợ bố mẹ ở quê. Thi thoảng vào kỳ lĩnh lương, chị và các bạn dành chút tiền đi uống nước mía, ăn chè đỗ đen... Thứ giải trí duy nhất của chị Hà và các bạn gói gọn trong chiếc điện thoại: Liên lạc với gia đình, chơi game, lướt mạng, nghe nhạc…
Sống đơn thân đã khó khăn, nữ công nhân đã lập gia đình còn phải đối mặt với nhiều lo toan hơn. Gia đình chị Trần Thị Hương (32 tuổi, quê Thanh Hóa) sống trong phòng trọ 10m2 ở thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) với mức phí thuê nhà 900 nghìn đồng/tháng. Do trường mẫu giáo công lập ở địa bàn thuê trọ luôn quá tải học sinh, vợ chồng chị gửi con trai 5 tuổi về quê ở với ông bà ngoại để tiết kiệm chi phí. Hằng tháng, chị trích 1 triệu đồng trong tổng thu nhập 10 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng gửi cho ông bà chăm cháu.
Trong khi đó, cháu thứ hai mới 8 tháng tuổi ở với bố mẹ. Buổi tối, sau khi con ngủ, chị Hương lại đôn đáo chuẩn bị rau, thịt, cháo, sữa cho con có đồ ăn ngày hôm sau. Để kịp giờ làm, 6h sáng chị đã chở con gửi ở nhóm trẻ gia đình gần khu trọ với mức phí gần 2 triệu đồng/tháng.
"Mỗi tháng, ngoài tiền nhà, điện, nước, thu nhập của gia đình tôi phải cáng đáng đủ các khoản chi: Tiền học cho 2 con, tiền sữa, tiền xăng xe, điện thoại, ăn uống… Tháng nào phải chi tiêu đột xuất cho các việc hiếu, hỷ hoặc con nhỏ ốm đau thì phải vay tạm của bạn bè, người thân. Cuộc sống khó khăn nên vợ chồng tôi đã quyết định khi bé thứ hai đủ 1 tuổi sẽ gửi về quê cho ông bà. Gửi con ở quê đỡ tốn tiền, chúng tôi cũng có thêm thời gian làm tăng ca, tăng thu nhập", chị Trần Thị Hương cho biết thêm.
Quan tâm đời sống nữ công nhân
Hiện nay có 70% công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội là nữ. Tuy phần lớn tuổi còn trẻ, nhưng lương thấp, đời sống vật chất thiếu thốn nên rất ít người nghĩ đến việc hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần. Với những người đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, mức độ mệt mỏi lớn hơn nhiều thì nhu cầu văn hóa tinh thần càng trở nên xa vời.
Khi được hỏi, chị Trần Thị Hương rớm nước mắt tâm sự: "Công nhân làm gì dám mơ đến vui chơi, giải trí, kể cả vào những ngày nghỉ. Kỳ nghỉ lễ nào được nghỉ dài ngày, vợ chồng em muốn tranh thủ về quê thăm con cho đỡ nhớ cũng phải tính kỹ. Nếu không đủ chi tiêu thì không về, chỉ gọi điện hỏi thăm hỏi ông bà, nói chuyện với con. Em chỉ sợ con mình rồi cũng quên cả bố mẹ".
Còn với những nữ công nhân chưa lập gia đình, cuộc sống buồn tẻ trong môi trường chật hẹp quanh năm suốt tháng chỉ từ nhà máy đến nhà trọ nên điều kiện gặp gỡ giao lưu để chọn bạn đời cũng không đơn giản. Vì thế, họ có xu hướng ngày càng kết hôn muộn, nhiều người quá lứa lỡ thì đành “kiếm” vội đứa con hoặc dễ dàng chấp nhận sống chung, lấy chồng cho xong.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Thu Phương, tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hiện có khoảng 99.000 nữ công nhân, lương trung bình 5-6 triệu đồng/tháng, phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Năm nay, các cấp công đoàn thành phố đã nỗ lực phối hợp tổ chức khám, tư vấn, phát thuốc, test thử ung thư cho khoảng 7.000 lượt chị em. Cùng với chăm sóc sức khỏe, chị em công nhân tại các khu công nghiệp, chế xuất còn được các cấp công đoàn vận động doanh nghiệp hỗ trợ nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc dưới 6 tuổi. Chị em được bồi dưỡng thêm sữa, được phân việc nhẹ, nghỉ làm sớm trong suốt thai kỳ.
Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ chị em nuôi con nhỏ ở mức 100-200 nghìn đồng/tháng, xây dựng phòng vắt và trữ sữa… Bên cạnh đó, công đoàn còn phối hợp tổ chức các lớp hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách nuôi con nhỏ, giúp chị em tổ chức việc nhà khoa học, xây dựng gia đình hạnh phúc…
Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động nói chung, nữ công nhân nói riêng, TP Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách cụ thể như hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động các khu công nghiệp tập trung, quan tâm các dịch vụ xã hội và chính sách an sinh... Thành phố cũng đã có chính sách xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, thiết chế công đoàn…
Dù đã nỗ lực, nhưng sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn cùng các cấp, ngành so với yêu cầu đặt ra vẫn còn rất nhỏ bé. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, để tạo chuyển biến thật sự rõ rệt trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần công nhân lao động nói chung và nữ công nhân lao động nói riêng, các cấp công đoàn đang nỗ lực đẩy mạnh việc huy động, phối hợp các nguồn lực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, công đoàn và toàn xã hội. Chỉ khi có sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là các chủ doanh nghiệp thì nữ công nhân lao động mới được hưởng thụ đời sống vật chất, văn hóa tinh thần tốt hơn.