Diễn đàn Hòa bình Paris: Hợp tác vì thịnh vượng chung
Thế giới - Ngày đăng : 06:16, 13/11/2018
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn còn nhiều điểm nóng an ninh, chạy đua vũ trang, căng thẳng về chính trị, kinh tế, tôn giáo tiếp tục gia tăng, diễn đàn được kỳ vọng sẽ trở thành một sự kiện thường niên, quy tụ các sáng kiến, nỗ lực toàn cầu, đóng góp thực chất cho hòa bình nhân loại.
Các nhà lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Hòa bình Paris. |
Diễn đàn kéo dài 3 ngày là một phần của cuộc vận động do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng, nhằm tranh thủ sự quan tâm của dư luận thế giới, tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể trước các thách thức hiện nay. Lấy cảm hứng từ mô hình Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), diễn đàn là nơi để chia sẻ kinh nghiệm, dự án quản trị và các giải pháp hòa bình, quy tụ các chính trị gia, chuyên gia chính sách đối ngoại, đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội... Diễn đàn gồm 3 không gian: Tranh luận, Giải pháp và Sáng tạo, kết nối với nhau xoay quanh 5 chủ đề: Hòa bình và an ninh, Phát triển, Môi trường, Kinh tế toàn diện, Kỹ thuật số và công nghệ mới.
Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức này là sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng và được đất nước Hình lục lăng đặc biệt coi trọng. Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh Anh đang gấp rút thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn tất tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), còn Đức lại đang loay hoay tìm giải pháp cho những bất ổn trên chính trường, nước Pháp dưới sự lãnh đạo của Tổng thống E.Macron với nhiều sáng kiến đầy tham vọng sẽ có thêm cơ hội thể hiện vai trò dẫn dắt tại Lục địa già cũng như trên toàn cầu. Hình ảnh về lá cờ đầu trong bảo vệ hòa bình và duy trì chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế đã phần nào được xác lập thông qua việc kêu gọi thành lập quân đội châu Âu, tổ chức long trọng Lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất và giờ là Diễn đàn Hòa bình Paris.
Tuy vậy, đối lập với mong muốn đi đầu và thể hiện vai trò của Tổng thống E.Macron, người đồng cấp Mỹ Donald Trump dường như lại cho thấy sự thoái lui của xứ Cờ hoa khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu cũng như tại các diễn đàn đa phương. Dù vẫn có mặt tại Paris dự lễ kỷ niệm 100 năm khép lại thế chiến thứ nhất, song ông chủ Nhà Trắng đã từ chối tham dự diễn đàn đề cao dân chủ và đa phương hóa diễn ra sau đó chỉ vài giờ với lý do eo hẹp về thời gian và mục tiêu của sự kiện này không phù hợp với chính sách “nước Mỹ trên hết”. Trong khi đó, những cảnh báo về sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc đặt ra thách thức lớn với hợp tác quốc tế đã được Tổng thống Pháp E.Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh nhiều lần trong các phiên họp và được coi là nội dung quan trọng nhất của diễn đàn. Các đại biểu tham dự cũng chỉ ra rằng, khủng bố, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu… là những hiểm họa tiềm tàng với an ninh và hòa bình thế giới.
Dù mới được tổ chức lần đầu, Diễn đàn Hòa bình Paris được coi là một điểm sáng trong nỗ lực hợp tác quốc tế trước những thách thức lớn đang hằng ngày nảy sinh, đề cao vai trò của các khuôn khổ đa phương hiệu quả, tạo sự kết nối vì thịnh vượng chung, hướng tới một quá trình toàn cầu hóa công bằng hơn, bình đẳng hơn và trên hết là mục tiêu gìn giữ hòa bình nhân loại.