Duy trì tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng "rực lửa"!
Đời sống - Ngày đăng : 18:15, 13/11/2018
Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên). |
"Cách đây vài năm, khi đánh giá về tình hình tham nhũng, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhận định: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhận thức tác hại nghiêm trọng của tham nhũng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, dù đương chức hay nghỉ hưu; làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, sau đó điều tra, xử lý tiếp... Với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu" - Đại biểu nêu.
Báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đưa ra nhận định: Tham nhũng đang được kìm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, đây là kết quả thể hiện tính khách quan, là sự nhìn nhận, đánh giá không chỉ trong nước mà còn là của bạn bè quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 10-11 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo có nêu một câu hỏi băn khoăn, lo lắng của cử tri rằng liệu sắp tới tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng có lắng xuống không; khi đồng chí Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, có quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng không?
"Các đồng chí thường trực Ban chỉ đạo, các đồng chí trong Ban chỉ đạo đều khẳng định tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới rất "rực lửa" và tinh thần này vẫn còn duy trì" - Ông Học phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) |
Nêu ý kiến trước đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) nhận định, có lẽ năm 2018 là năm hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất. Theo ông, muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức người cán bộ là quan trọng hàng đầu. Và người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn.
Với nội dung trong báo cáo về tặng quà và nộp lại quà tặng, theo đại biểu Sơn, đây là một điểm mới, đánh dấu cho hiệu quả của lời kêu gọi của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn bởi con số 9 tỉnh có tình trạng tặng quà và nộp lại quà, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp lại quá, với tổng giá trị 451,5 triệu đồng.
"Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không? Hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng? Nếu đúng như thế là đáng mừng. Tuy nhiên, báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu, cấp dưới còn đi biếu quà cho cấp trên không thì chưa được báo cáo Chính phủ đề cập" - Đại biểu nêu.
Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) |
Đề cập đến một khía cạnh khác trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.
Thực tế là người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình. Ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để bôi trơn khi đi làm các thủ tục hành chính.
"Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân" - đại biểu đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên.