Gỡ nút thắt cuối cho đường xuyên tâm

Giao thông - Ngày đăng : 07:13, 13/11/2018

(HNM) - Tuyến đường Vành đai 1 Nguyễn Khoái - Cầu Giấy đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 1999, tuy nhiên do thiếu vốn nên phải chia ra làm từng đoạn. Trong đó, tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục hiện là đoạn cuối cùng được triển khai nhằm khép kín Vành đai 1.

Chiều 12-11, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) để làm rõ những vấn đề liên quan đến dự án. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, đoạn tuyến nói trên khi đi vào khai thác sẽ gỡ nút thắt cuối cùng cho tuyến đường xuyên tâm nội đô.

Đường Đê La Thành nằm trong Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm.Ảnh: Quang Thái


Dự án giao thông cấp bách nhất của Hà Nội

Tuyến đường Vành đai 1 Nguyễn Khoái - Cầu Giấy đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 1999, tuy nhiên do thiếu vốn nên phải chia ra làm từng đoạn. Trong đó, tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục hiện là đoạn cuối cùng được triển khai nhằm khép kín Vành đai 1. Dự án cũng đã được đưa vào danh mục các công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thông qua. Theo đánh giá, việc triển khai đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là vô cùng cần thiết, phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tăng tỷ lệ và mật độ đường giao thông trong khu vực nội thành, đồng thời đáp ứng được vấn đề phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Đây được xem là một trong những dự án giao thông cấp bách nhất của Hà Nội hiện nay.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 2,2km, được mở rộng mặt cắt ngang 50m (bao gồm 2 cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và nút giao Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh). Tổng mức đầu tư công trình gần 7.211 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2018-2020. Trước đó, tháng 12-2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký Quyết định số 2113/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Ông Lê Văn Bính, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội cho biết, tuyến đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Voi Phục là đường trục chính lưu thông xuyên tâm của thành phố từ Đông sang Tây. Hiện Hà Nội đã đầu tư mở rộng tuyến đường theo quy hoạch đoạn đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do dự án chưa được thông suốt toàn tuyến, nên vẫn xảy ra những điểm ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm.

Trước tình hình đó, TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng nhằm sớm hoàn thành đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục để khớp nối toàn bộ tuyến đường Vành đai 1. Dự án này liên quan đến 2.107 hộ dân thuộc các phường: Ô Chợ Dừa, Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng (quận Đống Đa) và các phường: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Hiện nay, thành phố đã chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư khoảng 2.570 căn hộ, phân bổ tại các khu tái định cư Xuân La, Khu đô thị mới Nghĩa Đô, Khu tái định cư Nam Trung Yên và Khu nhà ở tái định cư - nhà ở thu nhập thấp Trung Hòa - Cầu Giấy.

Chi phí giải phóng mặt bằng cao

Phối cảnh cầu vượt nút giao Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Tuấn Lương


Ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt dự án, chủ đầu tư đã khẩn trương phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương liên quan tổ chức họp dân để công bố các thông tin liên quan đến dự án. Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã họp với người dân của 6 phường thuộc 2 quận nằm trong phạm vi dự án. Còn lại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), Ban Quản lý dự án sẽ cùng với chính quyền địa phương tổ chức họp với các hộ dân để công bố thông tin trong tháng 11-2018.

Đề cập tới vấn đề tại sao tổng mức đầu tư dự án lại cao như vậy, trung bình lên tới gần 3.270 tỷ đồng/km đường, trong khi mức đầu tư của một số dự án đường vành đai khác trong nội đô đều thấp hơn. Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Tấn Nam An, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng (thuộc Ban Quản lý dự án) cho rằng, tổng kinh phí đầu tư tính trên mỗi kilômét đường cao hơn các dự án khác bởi nguyên nhân chủ yếu do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá cao. Trong tổng mức đầu tư gần 7.211 tỷ đồng của dự án Hoàng Cầu - Voi Phục thì chi phí giải phóng mặt bằng đã lên tới hơn 5.800 tỷ đồng (chiếm hơn 80%), trong khi xây lắp chỉ hơn 627 tỷ đồng (riêng 2 cầu vượt đã xấp xỉ 330 tỷ đồng).

"So sánh với dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (hai dự án có chiều dài xấp xỉ nhau) cho thấy, dự án Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng có tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, vì chỉ phải thu hồi đất của khoảng 600 hộ dân, nhu cầu tái định cư 553 căn hộ; trong khi dự án Hoàng Cầu - Voi Phục phải thu hồi đất của 2.107 hộ dân, nhu cầu tái định cư 2.239 căn hộ, gấp trên dưới 4 lần. Chưa kể, có tới 55% diện tích đất phải thu hồi tại dự án Hoàng Cầu - Voi Phục là đất thuộc địa bàn đô thị “lõi” của quận Ba Đình và Đống Đa, nên đơn giá đền bù cao hơn nhiều so với đất thuộc tuyến đường Vành đai 2..." - ông Nguyễn Tấn Nam An lý giải.

Về tiến độ triển khai dự án, ông Lê Văn Bính cho biết, Ban Quản lý dự án đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phấn đấu khởi công dự án vào quý II-2019. Đơn vị cũng mong nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng để công trình giao thông cấp thiết của Thủ đô sớm có mặt bằng sạch, đi vào thi công và về đích đúng tiến độ.

Lương Ninh Giang