Muốn đắt hàng phải giữ giá trị

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 14/11/2018

(HNM) - Nhằm bảo tồn nguồn gen cây ăn quả quý, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã bình tuyển được khoảng 300 cây đầu dòng nhãn, bưởi, cam, ổi, hồng, mít…

Cam Canh, loại cây cho giá trị cao được trồng tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền


Nhiều giống cây ăn quả quý

Hà Nội có nhiều giống cây ăn quả đặc sản như nhãn, bưởi, cam, hồng, mít, ổi, chuối… Riêng cây bưởi, Hà Nội có tới 10 giống quý, gồm các loại: Bưởi Diễn, bưởi Thồ Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên), bưởi đào (huyện Đan Phượng), bưởi đỏ (huyện Mê Linh), bưởi La Tinh, bưởi Quế Dương (huyện Hoài Đức)… Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa, các giống bưởi của Hà Nội có đặc trưng là chín sớm, đúng vụ và muộn (bắt đầu từ 15-7 năm trước đến hết tháng 3 năm sau), giúp rải vụ để nông dân kéo dài thời gian thu hoạch, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Huyện Đan Phượng có 3 loại cây được bình tuyển cây đầu dòng, gồm bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ, bưởi đào chín sớm xã Đồng Tháp và nhãn muộn xã Trung Châu. Điểm nổi bật của bưởi tôm vàng Thượng Mỗ là thơm lâu, vị ngọt dịu, giòn. Còn giống bưởi đào chín sớm Đồng Tháp được người dân chiết từ những cây bưởi tổ ở xã Song Phượng, có múi mọng nước, vị ngọt, năng suất trung bình từ 100 đến 200 quả/cây/năm, nên được nông dân Đồng Tháp ưa chuộng trồng.

Riêng giống bưởi Thồ Bạch Hạ được trồng tập trung tại thôn Hòa Thượng, xã Bạch Hạ (huyện Phú Xuyên), thời gian thu hoạch vào dịp rằm Trung thu hằng năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi chia sẻ: Địa phương đã lựa chọn được 25 cây bưởi Thồ Bạch Hạ, tuổi từ 20 đến 36 năm, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt nhất, cho năng suất chất lượng ổn định để đề nghị Sở NN&PTNT cho phép phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai việc bình tuyển và cho phép khai thác mắt ghép để nhân giống...

Một loại cây ăn quả đặc sản của Hà Nội được người tiêu dùng ưa chuộng nữa là nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), được trồng trên diện tích 115ha, có thời gian thu hoạch muộn hơn so với giống nhãn đại trà khoảng một tháng. Lợi thế về thổ nhưỡng đã giúp Đại Thành trở thành nơi lưu giữ nguồn gen cho giống cây này. Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết: Cây nhãn chín muộn xã Đại Thành không chỉ là cây chủ lực, mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ nông dân hàng chục tỷ đồng mỗi năm, mà còn nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, được nông dân các tỉnh lân cận: Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam... chọn mua cây giống về trồng.

Chú trọng quản lý, khai thác cây đầu dòng

Bưởi Quế Dương (huyện Hoài Đức) tham gia hội chợ xúc tiến thương mại. Ảnh: Thái Hiền


Hà Nội có nhiều loại quả đặc sản nổi tiếng, chinh phục người tiêu dùng từ Bắc vào Nam. Chị Nguyễn Thị Hương, xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) cho hay, mùa nào thức ấy, trái cây đặc sản của Hà Nội mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Do chất lượng không thua kém trái cây nhập khẩu, giá lại thấp hơn nên lâu nay gia đình chị đã chuyển sang mua trái cây đặc sản của Hà Nội.

Còn chị Lại Hà Phương ở quận Hà Đông cho hay, trái cây đặc sản của Hà Nội thu hoạch bằng biện pháp thủ công, vận chuyển trong khoảng thời gian ngắn, khi đến tay người tiêu dùng vẫn tươi, ngon, sản phẩm lại đa dạng... Đây là một trong những lý do để những loại quả này chiếm ưu thế trên thị trường...

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ngoài việc chăm sóc, bảo tồn, những cây ăn quả đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng sẽ được khai thác mắt ghép, chiết cành để nhân giống nhằm phát triển, mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản của Hà Nội. Tuy nhiên, việc quản lý sau chứng nhận cây đầu dòng còn khó khăn do chưa có chính sách, quy định cụ thể. Do đó, cây đầu dòng dễ bị khai thác theo nhu cầu thị trường, hoặc chưa đúng thời gian quy định. Hoặc vì lợi nhuận, người bán chiết, ghép cây giống trên cây thiếu tuổi, không đúng cây đầu dòng, trong khi người mua khó phân biệt, dẫn đến chất lượng cây trồng đại trà kém… Trưởng phòng Trồng trọt Nguyễn Thị Thoa cho rằng, nếu cây đầu dòng được giao về một đơn vị quản lý, hoặc lưu giữ trong dân nhưng có chính sách bảo vệ, phát triển, quy định khai thác đúng thời gian, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ những cây khai thác từ cây đầu dòng, sẽ bảo đảm được việc nhân giống chuẩn.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Hà Nội có nhiều cải tiến trong phát triển các giống cây ăn quả chín sớm, chín muộn, giúp điều chỉnh thu hoạch lệch vụ, giảm áp lực thu hoạch chính vụ để tránh tình trạng xung đột thị trường, nông dân bị ép giá… Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo tồn nguồn gen cây ăn quả đặc sản, Hà Nội cần quy hoạch vùng sản xuất những giống cây trồng quý, nhằm khuyến khích phát triển những sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang có kế hoạch bảo tồn và nhân rộng nguồn gen giống cây ăn quả đặc sản. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai mở rộng diện tích trồng cây ăn quả từ 17.000ha đến 17.500ha, trong đó có 9.000ha trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản.

Ánh Dương