Huy động sức dân, phát triển thủy lợi nội đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 14/11/2018

(HNM) - Trong những năm qua, được sự đầu tư lớn của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, cả nước đã xây dựng được 904 hệ thống thủy lợi lớn, có quy mô từ 200ha trở lên, 6.648 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 12,5 tỷ mét khối...


Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), trong điều kiện nguồn nước, thiên tai bình thường, hệ thống thủy lợi của cả nước cơ bản đáp ứng nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, do nguồn nước ngày càng suy giảm vào mùa kiệt, gia tăng bất thường vào mùa mưa lũ, hệ thống công trình thủy lợi của cả nước bộc lộ rất nhiều hạn chế về năng lực phục vụ và khả năng chống chịu, đặc biệt là những công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng… Hơn nữa, trong điều kiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… đòi hỏi cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng bắt buộc phải chuyển đổi, nâng cấp phù hợp để đáp ứng yêu cầu của ngành Nông nghiệp…

Thực tế, trên địa bàn cả nước hiện có 13.213 đập tạm (chiếm 90% tổng số công trình đập) và 100.137km kênh mương cấp 3 và kênh nội đồng chưa được kiên cố (chiếm 71% tổng chiều dài kênh mương). Ngoài ra, trên địa bàn toàn quốc còn có nhiều ao, hồ nhỏ có dung tích dưới 50m3, hàng nghìn trạm bơm có công suất dưới 1.000m3/h và các cống đầu kênh cấp 3 xuống cấp không đạt công suất thiết kế… Những công trình này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Các địa phương đề xuất Chính phủ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp các công trình nêu trên. Thực tế này đang tạo áp lực rất lớn đối với ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, để giải bài toán về kinh phí và phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng, không có giải pháp nào hiệu quả hơn, bảo đảm tính bền vững là huy động sức dân... Thực tế, 17 năm duy trì, phát triển phong trào “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xuống đồng làm thủy lợi” vào ngày 16-10 hằng năm, trung bình mỗi năm, tỉnh Nghệ An huy động được hơn 1 triệu lượt người xuống đồng nạo vét kênh mương, đắp đất tu bổ bờ vùng, bờ thửa, cắt cỏ, vớt bèo…; tổng giá trị khối lượng công việc làm được đạt 110 tỷ đồng… Còn tại tỉnh Lâm Đồng, người dân đã tự đào ao hồ nhỏ tạo nguồn nước và trang bị máy bơm, đường ống để bơm tưới cho khoảng 100.000ha rau, hoa, cây công nghiệp…; trong đó có khoảng 30.000ha rau, hoa được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp…, người dân đã tự đầu tư xây dựng thêm 1.474 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu 431.312ha sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, như: Tập đoàn TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai… đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong trồng cỏ, thanh long, xoài, cao su, ớt, chuối…

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, như: Nghị định 77/2018/NĐ-CP ngày 16-5-2018 quy định về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… “Vì vậy, ngay từ bây giờ các địa phương cần đánh giá thực trạng cơ cấu tổ chức, năng lực của tổ chức thủy lợi; xây dựng kế hoạch và thực hiện củng cố, thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, chuyển giao quản lý tưới cho các tổ chức thủy lợi cơ sở; tăng cường vai trò, trách nhiệm có sự tham gia của người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, nội đồng…” - ông Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị.

Kim Nhuệ