Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm
Chính trị - Ngày đăng : 14:34, 14/11/2018
| ||
Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu HĐND thành phố đã báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ bảy, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của thành phố và trả lời một số kiến nghị của cử tri quận Hoàn Kiếm.
Báo cáo trước cử tri, các đại biểu HĐND thành phố cho biết, năm 2018 - năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong bối cảnh Thủ đô và cả nước còn nhiều thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, 20/20 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 7,37%, cao hơn các năm trước. Thu ngân sách bằng 100,2% dự toán (tăng 12,6% so với cùng kỳ). Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%, vượt kế hoạch đề ra là 7,5-8%. Khách du lịch đạt hơn 26 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt, tăng 16%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 30 xã (vượt kế hoạch đề ra là 26 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 324/384 xã, tỷ lệ 83,9%.
Thành phố đã khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, hoàn thành hạ ngầm đường dây tại 55 tuyến phố. Tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch đạt xấp xỉ 100%; dự án cấp nước cho vùng nông thôn đạt 55,5%, vượt kế hoạch đề ra. Thành phố đã hoàn thành cải tạo môi trường nước tại 129 hồ (trong đó 88 hồ khu vực nội thành); lắp đặt hơn 6.300 thùng rác trên các tuyến đường; hoàn thành, đưa vào vận hành hơn 100 nhà vệ sinh công cộng bằng vốn xã hội hóa; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu trồng 1 triệu cây xanh.
Hà Nội đã đưa vào vận hành chính thức toàn thành phố hệ thống phần mềm Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp và có 55% trong tổng số 1.907 dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 3, 4.
Thể thao thành tích cao của thành phố tiếp tục giữ vững, khẳng định vị trí dẫn đầu trong các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Giáo dục tiếp tục dẫn đầu về số lượng, chất lượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thành phố cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản, quản lý sức khỏe cá nhân, quản lý bệnh không lây nhiễm gắn với mô hình phòng khám bác sỹ gia đình; duy trì khám sàng lọc phát hiện ung thư sớm đại trực tràng, miễn phí cho công dân Thủ đô từ 40 tuổi trở lên.
An sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội được bảo đảm. Thất nghiệp đô thị được giữ ở mức thấp; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Công tác quốc phòng của thành phố được củng cố. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại được quan tâm, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô...
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, tập trung vào các vấn đề về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Sớm triển khai các dự án nâng cao đời sống nhân dân
Bày tỏ vui mừng trước những thành tựu ấn tượng của thành phố trong năm 2018, song các cử tri cũng băn khoăn về việc thực hiện một số mặt công tác lớn theo tinh thần Luật Thủ đô còn chậm, dẫn đến áp lực về mặt dân số ngày càng tăng, hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục quá tải...
Các cử tri Doãn Thanh Tịnh (phường Hàng Bồ), Nguyễn Văn Ngọc (phường Cửa Đông), Nguyễn Thị Thành (phường Hàng Gai) cho rằng, do thực hiện các dự án theo quy hoạch còn chậm, chưa đồng bộ dẫn đến các vấn đề về đô thị như quá tải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong các mặt công tác được các cử tri cho là triển khai chậm có việc cải tạo chung cư cũ, giãn dân phố cổ...
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố đã và đang thực hiện nghiêm túc các dự án phát triển đô thị theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch nội đô cũng đã có quy định rất rõ ràng, minh bạch.
Tuy nhiên, việc tăng dân số cơ học đang là thách thức và việc nâng cao hạ tầng đô thị đang là đòi hỏi bức thiết. Về việc cải tạo chung cư cũ, từ năm 1999, Hà Nội đã rất tích cực triển khai công tác này, song đến nay mới chỉ cải tạo, xây mới được 14 chung cư trên tổng số hơn 1.500 chung cư cũ. Qua kêu gọi đầu tư xã hội hóa, đã có thêm 16 dự án được các nhà đầu tư giới thiệu.
Đến nay, còn một số vướng mắc liên quan đến Luật Xây dựng (quy định về quyền quyết định di dời của Chủ tịch UBND thành phố đối với công trình nguy hiểm cấp độ D), hệ số bồi thường chưa thống nhất. Thành phố đã đề xuất Quốc hội thay đổi quy định, đánh giá chung cư xuống cấp cần cải tạo, xây mới theo niên hạn sử dụng; đang nghiên cứu cơ chế phù hợp để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn. Với 16 dự án trên, thành phố sẽ trưng bày công khai để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Về vấn đề thiếu trường, lớp học, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố có chủ trương nâng cấp, cải tạo để khắc phục tình trạng thiếu lớp, đồng thời chuyển trụ sở một số cơ quan cho địa phương phát triển trường mầm non, mẫu giáo.
Về vấn đề thiếu hạ tầng giao thông tĩnh, thành phố cũng đã có quy hoạch, xây dựng một số bãi đỗ ngầm. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là trước cửa Nhà hát Lớn.
Về Đề án giãn dân phố cổ, thành phố đã giao quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư. Trước đây có vướng mắc do nhà đầu tư ban đầu không đủ năng lực, vi phạm pháp luật. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thông qua được phương án kiến trúc, kêu gọi xã hội hóa thực hiện theo phương thức đặt hàng...
Trước băn khoăn của cử tri về vấn đề môi trường, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, thành phố coi đây là 1 trong 5 nội dung trọng tâm để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Đến nay, thành phố đã thực hiện việc đấu thầu thu gom rác theo hướng cơ giới hóa; tổ chức đặt thùng rác, trồng cây xanh, nâng cao chất lượng nước hồ.
Đối với hồ Hoàn Kiếm, thành phố sẽ thực hiện cải tạo cảnh quan trong năm 2019. Thành phố cũng đang nỗ lực cải tạo, nạo vét, xử lý nước hồ Tây, hồ Trúc Bạch, sông Tô Lịch bằng cách sẽ đóng 8 cửa xả, bơm bổ sung 10.000m3 nước sạch vào hệ thống này.
Bên cạnh những vấn đề lớn của thành phố liên quan đến đông đảo nhân dân Thủ đô, cử tri quận Hoàn Kiếm cũng đề cập đến những nội dung, vấn đề trên địa bàn. Đánh giá cao hiệu quả của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, cử tri Nguyễn Chính (phường Hàng Bạc) cũng nêu một số bất cập.
Các cử tri Trịnh Viết Thoại (phường Chương Dương), Nguyễn Đắc Tiến (phường Phúc Tân) mong muốn thành phố sớm triển khai dự án hầm đường bộ Chương Dương Độ - Trần Nguyên Hãn, cải tạo đường Hồng Hà. Cử tri Nguyễn Văn Ngọc (phường Cửa Đông) nêu thực trạng thi công lát đá vỉa hè thiếu đồng bộ. Một số cử tri nêu mong muốn cải tạo một số công trình kiến trúc trên địa bàn...
Đối với các nội dung cụ thể này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã có những giải đáp bước đầu.
Về không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, Chủ tịch UBND thành phố cho biết đã giao quận Hoàn Kiếm xây dựng Quy chế quản lý, phấn đấu ban hành trong quý I-2019. Thành phố cũng đã và đang xem xét việc bố trí bãi đỗ xe, mở rộng không gian đi bộ để phục vụ nhân dân, du khách.
Về việc cải tạo đường Hồng Hà, thành phố đang chờ HĐND thông qua danh mục đầu tư công, sẽ sớm triển khai thực hiện.
Về dự án hầm đường bộ, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã có phương án kiến trúc, kỹ thuật, sẽ triển khai xây dựng bảo đảm không gian kiến trúc hài hòa. Bên cạnh đó, dự án chưa triển khai do chờ việc hạ ngầm đường dây điện qua tuyến đường Trần Quang Khải để thi công đồng bộ, phấn đầu hoàn thành vào tháng 10-2019.
Cũng về yêu cầu thi công đồng bộ, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thành phố chủ trương xã hội hóa việc hạ ngầm, thi công lát vỉa hè với nguyên tắc: trước khi lát hè phải hạ ngầm đường dây, xây dựng hạ tầng thoát nước, hoàn thiện hạ tầng chiếu sáng, đèn tín hiệu, chỉnh trang mặt tiền khu phố, vệ sinh môi trường (đặt thùng rác). Hiện việc lát hè còn bất cập, chưa đồng bộ, còn gây bức xúc, thành phố sẽ tiếp tục giám sát...
Trước ý kiến của cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) về những sai phạm trong quản lý đất đai tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) và huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã thanh tra, kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo xã Yên Bài, huyện Ba Vì và một số cán bộ phòng chức năng.
Hiện, Trung ương đang tiếp tục thanh tra tại huyện Ba Vì. Hà Nội sẽ phối hợp tích cực, khi có kết luận sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Về sai phạm tại huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, nguyên nhân là còn có những vướng mắc về chính sách trước đây và đã có kiến nghị của Thanh tra Chính phủ trong việc xử lý. Thành phố cũng nhận thấy có thiếu sót trong quản lý và đã giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra, khi có kết luận sẽ công khai cho nhân dân được biết.