Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được xếp thứ 4 nguyên nhân gây tử vong

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:41, 16/11/2018

(HNMO) - Ngày 16-11, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) toàn cầu và hội nghị nâng cao năng lực của cán bộ y tế về quản lý BPTNMT.


BPTNMT là một dạng bệnh lý tắc nghẽn thông khí phổi được định tính là sự suy giảm thông khí mạn tính. Các triệu chứng chính bao gồm khó thở, ho và sinh đờm.

GS.TS Ngô Quý Châu chia sẻ về BPTNMT


Đây là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm BPTNMT giúp làm giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng kinh tế xã hội.

Thông tin được đưa ra cho thấy, BPTNMT là nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng thứ 4 trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 3 triệu người chết vì BPTNMT trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hơn 80% các ca tử vong xảy ra do BPTNMT là ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Theo dự báo của WHO, số người mắc  BPTNMT sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỳ này và đến năm 2020 BPTNMT sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Gánh nặng BPTNMT được dự đoán tăng lên trong các thập kỷ tới do sự tiếp diễn của các yếu tố nguy cơ gây BPTNMT và sự già hóa dân số.

Tại Việt Nam, từ năm 2010, chương trình phòng và điều trị BPTNMT đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai phụ trách dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản (HPQ) trên toàn quốc.

Nguyên gây bệnh hàng đầu là hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm không khí. 

Các cán bộ y tế lắng nghe chuyên gia hàng đầu về hô hấp chia sẻ về việc chẩn đoán, điều trị BPTNMT


GS.TS Ngô Quý Châu- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó trưởng thường trực Ban điều hành Dự án BPTNMT&HPQ cho biết, BPTNMT là một trong những bệnh hô hấp thường gặp. Đáng chú ý, số người mắc bệnh ngày một gia tăng.

Tại hội nghị, các chuyên gia hàng đầu trong nước về hô hấp đã chia sẻ kim nghiệm về chẩn đoán và điều trị BPTNMT với các cán bộ y tế chuyên ngành hô hấp, lao bệnh phổi, hồi sức cấp cứu, nội khoa, ngoại khoa lồng ngực, nhi khoa và các chuyên ngành liên quan tại 63 tỉnh, thành cả nước,  nhằm góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị BPTNMT, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân BPTNMT.

Hương Thủy