Lắng nghe từ “Dân vận khéo”
Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 16/11/2018
Kênh tiếp nhận này là sự cụ thể hóa mô hình "dân vận khéo" của Đảng ủy Sở Nội vụ, giúp người dân có thể gửi phản ánh, góp ý nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng. Mô hình đã được Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố giới thiệu để nhân rộng trong các Đảng bộ trực thuộc.
Anh Nguyễn Xuân Lưỡng đang trao đổi với đồng nghiệp về giao diện điện tử tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. |
Mô hình thiết thực
Chuyên trang “Tiếp nhận ý kiến, phản ánh về thái độ, chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành Nội vụ” là kết quả cụ thể hóa mô hình "dân vận khéo" của Đảng ủy cơ quan Sở Nội vụ Hà Nội hưởng ứng “Năm dân vận chính quyền”. Người đề xuất ý tưởng và trực tiếp theo dõi, phối hợp với các phòng chuyên môn triển khai thực hiện mô hình, duy trì chuyên trang là Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Nguyễn Xuân Lưỡng. Vốn làm công tác văn phòng lâu năm tại Sở Nội vụ - cơ quan tham mưu giúp thành phố về công tác tổ chức bộ máy; cải cách hành chính; tiền lương; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng; công tác thanh niên… nên anh Lưỡng luôn mong muốn tìm giải pháp thuận tiện để người dân đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của sở.
Thực tế lâu nay, Sở Nội vụ Hà Nội đã mở nhiều kênh tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân, như: Đường dây nóng, hòm thư góp ý… song số lượng thư nhận được phản ánh về thái độ, chất lượng phục vụ không nhiều. Trong khi đó, ngành Nội vụ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Bộ phận “một cửa” của sở thực hiện tiếp nhận và giải quyết 82 thủ tục hành chính. Qua nhiều lần đi kiểm tra cơ sở, anh Nguyễn Xuân Lưỡng tìm hiểu và nhận thấy tâm lý người dân vẫn còn ngại đi từ nhà đến trụ sở cơ quan hành chính để gửi một lá thư góp ý. Còn những ý kiến qua đường dây nóng đôi khi không cho biết thông tin cá nhân của người cung cấp tin nên khó khăn khi kiểm chứng. Vì thế, anh Lưỡng đã bàn với đội ngũ cán bộ Phòng Công nghệ thông tin của Sở Nội vụ tìm giải pháp khắc phục những nhược điểm của các hình thức tiếp nhận ý kiến nhân dân, đồng thời, khai thác lợi thế công nghệ thông tin, nhất là khi trang thông tin điện tử của sở trung bình có vài trăm lượt truy cập mỗi tuần. Ý kiến góp ý của người dân sẽ được kiểm soát bởi khi đăng nhập vào phải có những trường thông tin bắt buộc (họ tên, số điện thoại liên hệ, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử…) và hệ thống cũng có bộ lọc những từ trái thuần phong mỹ tục. Đặc biệt, chuyên trang còn tạo thuận tiện cho người dân khi có cả mục tài liệu đính kèm để gửi ảnh, giấy tờ liên quan.
Ý tưởng và đề xuất thiết thực, hữu ích của Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Nội nhanh chóng được Đảng ủy cơ quan Sở Nội vụ đồng ý cho triển khai chạy thử nghiệm rồi đi vào hoạt động chính thức qua việc gắn chuyên trang trên Trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ và có địa chỉ truy cập là www.tiepnhanykien.sonoivu.hanoi.gov.vn. Với chuyên trang này, khi truy cập Trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ, công dân, tổ chức có thể phản ánh, góp ý, yêu cầu giải đáp thắc mắc một cách nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, công sức.
Theo Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Nguyễn Xuân Lưỡng, trong giai đoạn đầu triển khai, bình quân mỗi tháng chuyên trang tiếp nhận gần 20 ý kiến phản ánh, cảm ơn, góp ý, hiến kế, hỏi đáp chế độ chính sách lĩnh vực nội vụ (tăng gần gấp đôi so với các kênh tiếp nhận ý kiến, phản ánh đang thực hiện). Toàn bộ các ý kiến đều được xem hằng ngày và được tiếp thu, phân công trả lời đầy đủ. Nhiều nội dung đã được trả lời ngay khi cán bộ tiếp nhận. Dù chưa nhận được ý kiến nào phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà của cán bộ, công chức, song, Sở Nội vụ coi đây là một kênh để đánh giá cán bộ, công chức.
Nhân rộng mô hình
Ngay khi biết Sở Nội vụ Hà Nội có website tiếp nhận ý kiến người dân, anh Trần Minh Hùng (ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng) đã truy cập và dễ dàng thực hiện các thao tác gửi phản ánh, kiến nghị. “Cái hay là tại đây, chúng tôi có thể góp ý về chất lượng phục vụ, thái độ ứng xử của công chức, viên chức, nhân viên Sở Nội vụ, gồm tất cả các phòng chuyên môn và các đơn vị thuộc sở chứ không chỉ nhận xét về cán bộ, công chức bộ phận một cửa”, anh Trần Minh Hùng chia sẻ.
Dù đã đạt được một số kết quả khả quan bước đầu nhưng đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng mà Sở Nội vụ Hà Nội hướng tới. Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Nguyễn Xuân Lưỡng cho biết, hiện nay, chuyên trang tiếp nhận ý kiến phản ánh của sở mới đang được triển khai giai đoạn 1 với các nội dung tiếp nhận ý kiến về chất lượng phục vụ, thái độ ứng xử của công chức, viên chức, nhân viên thuộc Sở Nội vụ Hà Nội. Dự kiến, trong giai đoạn 2, sở sẽ tiếp tục đưa phần mềm tiếp nhận nội dung phản ánh của công dân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ, thái độ ứng xử của công chức, viên chức và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Nội vụ tại các phòng nội vụ của các quận, huyện, thị xã. Khi đó, những ý kiến phản ánh qua trang thông tin điện tử sẽ giúp lãnh đạo sở theo dõi, nắm bắt được dư luận xã hội về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nội vụ một cách trung thực, khách quan. Thông qua kênh thông tin này còn có thể ngăn ngừa, phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đánh giá về mô hình "dân vận khéo" của Sở Nội vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Phạm Thị Nguyên Hạnh cho biết: “Hiện nay, cải cách hành chính là vấn đề TP Hà Nội rất quan tâm, chú trọng. Việc mở ra một kênh tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân cho thấy Đảng ủy cơ quan Sở Nội vụ đã đi đúng hướng, chọn mô hình đúng trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của sở, xứng đáng là một trong hai đơn vị được nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội vì đã có thành tích trong công tác “dân vận khéo” năm 2018. Mô hình này có thể nhân rộng ra nhiều cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ khối”.