Bảo vệ cầu Hàm Rồng
Chính trị - Ngày đăng : 08:32, 02/04/2005
Trời mưa nặng hạt, trong tiếng nhạcnhè nhẹ của quán cà phê Trung Nguyên số 192 đường Trường Chinh - một địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ phi công Việt Nam, người lính già đang ngồi kể lại chuyện chiến đấu. Đó là Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan - nguyên Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng - người đã từng chỉ huy Biên đội Quyết thắng diệt 2 máy bay F-8U của Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3-4-1965. Mới đó mà đã 40 năm. Ông bồi hồi nhớ lại.
Mỹ - ngụy bịthua đau ở Plâycu,để trả đũa, chúng cho máy bay leo thang đánh phá từ khu vực Đồng Hới và các tỉnh phía Nam khu 4. Đầu tháng 3-1965, các thị xã, thị trấn, các đầu mối giao thông, kho tàng từ Vĩnh Linh trở ra đến vĩ tuyến 20 và các đảo của ta liên tục bị đánh phá. Những chiếc máy bay vận tải hạng nặng chở một khối lượng lớn bom đạn từ Tân Sơn Nhất ra Đà Nẵng. Hai tàu sân bay của Hạm đội 7 chở hàng trăm chiếc mang tên Hen-cốc và Cô-rơn-xi lén lút hoạt động cách Vĩnh Linh 150km về phía Đông. Tất cả những động thái đó cho thấy chúng chuẩn bị tấn công miền Bắc bằng không quân.
Đêm mùng 2 rạng ngày 3-4-1965 ta có tin tình báo: Máy bay địch sẽ tập trung đánh cầu Hàm Rồng.Từ sáng sớm, Sở chỉ huy ta đã lệnh cho Trung đoàn 921 triển khai 3 biên đội trực ban chiến đấu cấp 2. 7 giờ sáng, ra đa phát hiện 1 tốp máy bay địch vào trinh sát khí tượng và mục tiêu. 8 giờ 30 phút, chúng bắt đầu đánh vào khu vực Đò Lèn. 9 giờ 40 phút, nhiều tốp máy bay cường kích F-8U, F-105D đánhphá cầu Tào, Hà Trung. 9 giờ 45 phút, Sở chỉ huy ra lệnh báo động cấp 1. Tất cả sân bay Nội Bài bắt đầu vào hoạt động. Các biên đội bay sẵn sàng cất cánh. 9 giờ 47 phút, Biên đội 1 do 2 anh Trần Hanh và Phạm Giấy làm nhiệm vụ nghi binh yểm hộ cất cánh xuyên mây theo hướng 109 độ bay về phía thị xã Ninh Bình, vòng theo hướng Tây Nam, bay đến Cẩm Thủy và ngược lại để kiềm chế, thu hút máy bay tiêm kích của địch.
9 giờ 48 phút, Biên đội 2 gồm 4 phi công Phạm Ngọc Lan số 1, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3, Trần Minh Phương số 4 nhận được lệnh cất cánh bằng tín hiệu 2 phát pháo hiệu đỏ. Lúc này, để giữ bí mật, ta hạn chế truyền lệnh bằng vô tuyến điện. Sở chỉ huy ra lệnh: “Cờ đỏ! Chúng tôi cất cánh. Máy bay vừa rời khỏi mặt đất, thu càng xong, tất cả đồng loạt ấn nút nạp đạn lên nòng.
- 56 hướng dương 19! Cao trào 30! Theo phương án đã định trước - Sở chỉ huy ra lệnh. Có nghĩa là tôi dẫn biên đội bay theo hướng Nam chếch Tây 190 độ. Bay ở độ cao 3000m. 56 là ký hiệu của tôi.
Chúng tôi hiểu là: Chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Trời hôm đó hơi mù. Một đám mây lớn xuất hiện, tôi ra lệnh:
- Đội hình rộng.
4 cánh bay giãn rộng đội hình lao vào đám mây. Xuyên qua mây chúng tôi đã nhìn thấy nhau.
- Tiếp tục giữ vững đội hình “sục sạo”! - Tôi lệnh tiếp.
- 56 chú ý! Mây đen (máy bay địch) phía Đông cách 100km - Sở chỉ huy thông báo. Biên đội đã bay qua Kim Bôi (Hòa Bình), Phủ Lý (Hà Nam).
- Mây đen cách 60km - Sở chỉ huy tiếp tục thông báo. ở độ cao 4000m trời trong xanh hơn, tôi ra lệnh:
- Tất cả tăng cường quan sát.
- 56 chú ý! Mây đen bên phải, phía trước cách 30km. Độ cao 3000.
Khoảng cách ngắn dần, 20km, 15km, 10km, trời mù khô, đến 8km đồng chí Phương số 4 hô:
- 56 chú ý! Phía trước, bên phải 45 độ máy bay địch đang lao tới!
- Vứt thùng dầu phụ! Tôi ra lệnh.
Từ đội hình cảnh giới, biên đội chuyển sang đội hình công kích. Cách gần 3km địch mới phát hiện rata, vì chúng bay thấp gặp mù khô đậm hơn, khó quan sát. Địch cơ động dàn đội hình, tất cả khoảng hơn 20 chiếc. Nhưng khi phát hiện ra MIG-17 của ta ngay trên đầu, chúng hoảng loạn, đội hình bắt đầu rối loạn. Tôi ra lệnh:
- Số 3, số 4 yểm hộ, số 2 bắn vượt qua số 1 diệt chiếc bay đầu tiên!
Nhưng do ở cự ly 1.200m nên pháo ta không bắn tới. Tôi cắt ngang bồi tiếp loạt đạn nữa và cũng không trúng mục tiêu. Vậy là từ lý thuyết đến thực tế khác xa nhau. Vì máy bay địch có tốc độ cao, khả năng cơ động mạnh hơn ta rất nhiều. Tôi quyết định vòng lại, tăng gấp đôi độ bắn đón đầu. Loạt đạn thứ 2 và 3 trúng luôn, chiếc F-8U khựng lại, bay một quãng rồi bùng cháy. Chiếc thứ 2 hoảng loạn hạ thấp độ cao, cơ động tìm đường thoát. Tôi và đồng chí Túc số 2 cắt bán kính, đồng loạt nổ súng, nó lê ra biển đến cửa sông Ba Lạt thì rơi. Số 3, số 4 cắt bán kính xả súng vào đội hình rối loạn của chúng. Có lẽ phải đến 3-4 chiếc bị thương nặng. Thấy 2 chiếc F-8U bị bắn rơi tại chỗ, chúng cắt bom lung tung rồi chuồn thẳng. Trận chiến đấu diễn ra vẻn vẹn có 4 phút. Sở chỉ huy ra lệnh: “Bay về”!.
- Tôi bay sau cùng khóa đuôi để anh em bay về an toàn. Thật không may, chiếc la bàn của tôi bị hỏng, trời lại mù không xác định được hướng bay, đành phải bay theo chỉ dẫn của từng trạm đài liên lạc dưới mặt đất theo lộ trình vòng vèo. Đến lúc đèn đỏ báo hiệu hết nhiên liệu, tôi báo cáo:
- Xin hạ cánh khẩn cấp vì hết nhiên liệu!
- Nhảy dù! - Sở chỉ huy ra lệnh.
Bỏ máy bay thì tiếc quá. Tôi quan sát thấy có bãi cát bên sông Đuống. Hạ cánh ngay thì nguy hiểm quá vì tốc độ máy bay theo quán tính đang 250km/h, rất lớn, bãi cát lại ngắn. Tôi quyết định dùng kỹ xảo tầu lượn, lượn thêm nửa vòng kiểu “củ tỏi” để triệt tiêu vận tốc, tốc độ giảm xuống còn 70km/h, hạ trệt bụng xuống bãi cát. Máy bay lao đánh rầm một cái. Đầu va vào thành kính, tôi ngất đi, sau được anh em dân quân ra cứu.
Biên đội Lan, Túc, Quỳ, Phương sau được coi là nguyên mẫu của tiểu thuyết “Vùng trời” và dựng thành phim. Trận này ta thắng lớn, mở mặt trận trên không, cổ vũ cho các lực lượng bộ đội ta niềm tin tất thắng. Mỹ thua đau, không dám xem thường không quân ta. Đây là một cuộc đấu trí phi thường và chúng ta là những người chiến thắng.
HNM