Tạo môi trường an toàn cho trẻ em
Xã hội - Ngày đăng : 07:27, 18/11/2018
Xây dựng môi trường sống an toàn
Dân số tăng, có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, nhiều công trình xây dựng đang thi công cùng hệ thống ao, hồ, sông ngòi khá dày, địa bàn quận Hà Đông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích, nhất là với trẻ em. Tình trạng này khiến nhiều phụ huynh không dám cho con ra đường hay đến các khu vui chơi một mình. Vốn hiếu động, thích khám phá, trẻ em bị “nhốt” ở nhà thường xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử hoặc tìm cách chơi với các vật dụng sẵn có.
Cán bộ ngành Y tế Hà Nội trao đổi với ông Bùi Xuân Diệu, tổ dân phố 8, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) về mô hình “Ngôi nhà an toàn”. |
Theo cảnh báo của các chuyên gia, trẻ em sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển về thể chất, tinh thần. Trẻ em ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài có thể an toàn ở một khía cạnh nào đó, nhưng lại bị hạn chế khả năng quan sát, giao tiếp, ứng xử với môi trường tự nhiên.
Mặt khác, nhà riêng cũng chưa hẳn đã là nơi an toàn bởi trẻ nhỏ có thể gặp tai nạn vì nhiều lý do: Chỉ cần người lớn bất cẩn, để nước sôi, đồ ăn nóng, xe máy vừa đi về… trong tầm với hoặc lối đi cũng có thể khiến trẻ bị bỏng. Những thứ quen thuộc như hạt các loại quả dạng nhỏ, đồ chơi kích thước nhỏ cũng có thể khiến trẻ bị hóc, sặc. Bể nước, bồn chứa nước trong nhà không được che chắn kỹ cũng có thể khiến trẻ bị đuối nước…
Để chủ động phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, nhiều nơi trên địa bàn quận Hà Đông đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Nhờ sự hướng dẫn của ngành Y tế, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích/xây dựng cộng đồng an toàn.
Ngoài các thành viên chủ chốt là đại diện lãnh đạo UBND phường, các ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo các địa phương đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên phủ kín các khu dân cư, tổ dân phố.
Đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên được trang bị túi cứu thương, tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc chấn thương, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân cách phòng, chống tai nạn thương tích đối với trẻ em.
Các địa phương cũng thường xuyên tổ chức truyền thông trực tiếp về cách thức phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, trường học. Một số phường lập bản đồ thực trạng tai nạn thương tích, khoanh vùng những điểm có nguy cơ cao để cảnh báo cho nhân dân, đồng thời làm căn cứ xây dựng biện pháp khắc phục.
Nhờ chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, trong những năm gần đây, trẻ em trên địa bàn quận Hà Đông được học tập, vui chơi, sinh hoạt trong môi trường an toàn, lành mạnh hơn.
Từng bước đẩy lùi tai nạn thương tích
Bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán cho biết, đến nay, đa số hộ gia đình tại phường đạt danh hiệu “Gia đình an toàn”; Trường Mầm non Hoa Sen và Trường Tiểu học Nguyễn Du đạt các tiêu chí về trường học an toàn. Số vụ tai nạn thương tích giảm dần. Năm 2015, phường Văn Quán xảy ra 63 ca tai nạn, chủ yếu do ngã và tai nạn giao thông; đến năm 2017, con số này giảm còn 38 ca. Tính chung, mỗi năm phường Văn Quán giảm khoảng 10% số vụ tai nạn thương tích. “Điểm đen” gây tai nạn cơ bản được khắc phục.
Tương tự, số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình an toàn” ở phường Yên Nghĩa tăng từ 2.023 hộ năm 2015 lên 3.240 hộ vào năm 2017, đạt 70% tổng số hộ. Năm 2018, số gia đình đạt danh hiệu này dự kiến tiếp tục tăng.
Ông Bùi Xuân Diệu (tổ dân phố 8, phường Yên Nghĩa) chia sẻ: “Qua những chương trình truyền thông trực tiếp và gián tiếp, các thành viên trong gia đình tôi có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích. Gia đình có cháu nhỏ nên tôi để phương tiện, vật dụng có nguy cơ gây tai nạn xa tầm với của trẻ. Với các cháu lớn hơn, tôi hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, cách chơi sao cho an toàn”.
Mô hình “Trường học an toàn” được tất cả các điểm trường trên địa bàn phường Yên Nghĩa nghiêm túc triển khai, đến nay có 3 trường đạt các tiêu chí an toàn. Hiệu quả từ việc xây dựng cộng đồng an toàn tại phường Yên Nghĩa được thể hiện rõ qua số ca tai nạn thương tích giảm dần và không có ca nào xảy ra trong trường học.
Tại phường Dương Nội, 80% số hộ gia đình đã nhận thức được các nguy cơ gây tai nạn thương tích và tích cực phòng, chống; 80% nguy cơ tai nạn thương tích tại cộng đồng đã được loại trừ. “Nguy cơ tai nạn thương tích từng bước được đẩy lùi đồng nghĩa với việc người dân và trẻ em được sống trong môi trường an toàn hơn”, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội khẳng định.
Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” là giải pháp tốt. Mô hình này phát huy hiệu quả tích cực khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Sau khi kiểm tra thực tế tại quận Hà Đông, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị tại quận Hà Đông tham gia tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, quan tâm nhân rộng những mô hình hiệu quả. Mỗi người dân, gia đình cần chủ động trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, chủ động hướng dẫn con em cách thức phòng, chống tai nạn thương tích mọi lúc, mọi nơi.