Chính sách bước ngoặt
Thế giới - Ngày đăng : 08:04, 18/11/2018
Nguồn cung lao động dần trở nên eo hẹp khi dân số Nhật Bản bước vào giai đoạn già hóa. Để lấp đầy tình trạng thiếu lao động, Chính phủ Nhật Bản trước đây tập trung vào các chính sách khuyến khích phụ nữ và người cao tuổi tham gia vào một số lĩnh vực thích hợp, đồng thời đẩy mạnh sử dụng trí tuệ nhân tạo thay thế sức lao động của con người.
Tuy nhiên, với tình trạng thiếu hụt lao động đã trở nên trầm trọng hơn lúc nào hết, quốc gia Đông Á này đã có chính sách cởi mở hơn, như tiếp nhận các lao động có chuyên môn, kỹ năng cao như bác sĩ, nghệ sĩ, công nhân lành nghề, thực tập sinh tại nhiều lĩnh vực và cũng cho phép một lượng giới hạn người tị nạn tới cư trú.
Theo số liệu của Bộ Sức khỏe, lao động và phúc lợi Nhật Bản, số lao động nước ngoài tại quốc gia này đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2017, từ 680.000 người lên mốc 1,28 triệu người và hiện đang ở mức 1,3 triệu người, chiếm khoảng 2% lực lượng lao động.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Takashi Yamashita, trước tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, dự luật mà chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vừa phê chuẩn liên quan tới việc tiếp nhận lao động nước ngoài tại 14 lĩnh vực, ngành nghề thiếu hụt nhân lực. Dù dự thảo chưa đề cập cụ thể các lĩnh vực mở rộng cho lao động nhập cư, các chuyên gia dự đoán quy định này sẽ được áp dụng với nông nghiệp, xây dựng, khách sạn, điều dưỡng.
Theo dự thảo của Bộ Tư pháp và Chính phủ, Nhật Bản sẽ thiết lập cơ chế thị thực 2 lớp vào tháng 4-2019. Lao động nước ngoài đáp ứng yêu cầu nhất định về kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực cụ thể sẽ được cấp tư cách lưu trú tối đa 5 năm, song không được phép mang theo gia đình.
Những người lao động có trình độ cao, vượt qua nhiều bài kiểm tra chuyên sâu có thể đăng ký vào tầng thứ hai của thị thực 2 lớp, cho phép họ mang theo gia đình và được ở lại Nhật Bản trong 5 năm, đồng thời có thể gia hạn thị thực không bị giới hạn về thời gian lưu trú. Ước tính với chính sách mới này, số lao động nước ngoài trong 14 lĩnh vực chính sẽ tăng lên tới khoảng 40.000 người trong năm tài khóa 2019.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc việc thành lập một cơ quan mới thuộc Bộ Tư pháp để giải quyết các vấn đề liên quan tới lao động nước ngoài và quản lý hệ thống này để không làm trầm trọng tình trạng thất nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng S.Abe cũng cam kết bảo đảm mức lương của lao động nhập cư tương đương với lao động bản địa, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ hòa nhập, an sinh xã hội khi định cư lâu dài.