Nghiện game online: Dễ gây trầm cảm

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:57, 19/11/2018

(HNM) - Tình trạng nghiện game online trong giới trẻ ngày càng phổ biến và dễ gây ra bệnh trầm cảm. Thế nhưng vấn đề này lại rất ít được quan tâm.

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm do nghiện game online.


Chơi game giỏi... dễ trầm cảm

Theo Thạc sĩ Lê Thanh Hà, Học viện Quân y 103, trong 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam gia tăng với tốc độ chóng mặt, gấp 10-100 lần các nước khác trong khu vực châu Á. Độ tuổi sử dụng internet trung bình ở Việt Nam (năm 2015) cũng trẻ nhất (21 tuổi), đặc biệt tỷ lệ người sử dụng dưới 19 tuổi rất cao, lên đến 50%. Qua khảo sát các hành vi sử dụng internet trực tuyến của người Việt Nam, có đến 87% người vào internet nghe nhạc trực tuyến và tới 62% để chơi game online.

Theo một nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, có đến 11,6% thanh niên Việt Nam tuổi 15-19 bị trầm cảm, 17,9% thanh niên từ 20 đến 24 tuổi bị trầm cảm. Điều đáng nói, có nhiều bệnh nhân trầm cảm liên quan đến việc nghiện chất, nghiện game.

Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) thời gian gần đây cũng tiếp nhận điều trị không ít trường hợp thanh thiếu niên mắc các chứng trầm cảm, tâm thần do nghiện game online. Nhiều trường hợp do không được phát hiện bệnh kịp thời dẫn tới sức khỏe suy kiệt, trí tuệ sa sút nghiêm trọng.

Điển hình là một học sinh lớp 11 (ở Hà Nội) dù đã 16 tuổi nhưng trí tuệ, tương tác chỉ như một trẻ lên 10. Sau khi bố mẹ bỏ nhau, trẻ cũng ít nhận được sự quan tâm của người mẹ. Thời gian ăn uống, học tập, đứa trẻ dồn hết vào game. Từ khi trở thành “con nghiện” game online, tính tình em cũng thay đổi, hay cáu gắt, thậm chí chửi mắng cả mẹ. Thế nhưng, phải đến khi thấy con ốm yếu, gầy gò, người mẹ mới đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả, trẻ đã mắc bệnh trầm cảm...

Bác sĩ Nguyễn Tất Định, Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) chia sẻ, một tỷ lệ lớn trẻ nghiện game online kéo dài sẽ dẫn đến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí có thể chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ hay hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo.

Thực tế, có những trường hợp nhập viện điều trị dù đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này cũng như giải thích các động cơ của nhiều tội phạm nghiêm trọng.

Còn theo bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, game online đang âm thầm phá hủy năng lực học tập, nhân cách của không ít trẻ, ảnh hưởng cuộc sống và chất lượng lao động. Người nào chơi game càng giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Bởi họ thường có tâm lý chán nản do các trò chơi đã quá đơn giản, dễ dàng không còn cảm thấy thú vị để chinh phục, không tìm được niềm vui trong cuộc sống...

Điều trị như thế nào?


So với điều trị nghiện rượu hay ma túy, việc điều trị nghiện game không mất nhiều thời gian, tiền bạc, nguy cơ tái nghiện thấp. Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, có khoảng 1/3 bệnh nhân sau lần điều trị đầu tiên tái nghiện, còn sau lần thứ hai thì số tái nghiện rất ít. Điều trị nghiện game cần phải thay đổi, cách ly môi trường, không cho bệnh nhân tiếp cận với phương tiện chơi game, đồng thời sử dụng thuốc lập lại đồng hồ sinh học.

Nghiện game online là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm ở giới trẻ.


Tuy nhiên, bác sĩ La Đức Cương cho rằng, điều trị chứng nghiện game không khó nhưng sự thay đổi về nhân cách thì khó có thể phục hồi. Thế nhưng, không ít gia đình khi phát hiện bệnh của con lại muốn giấu và chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã nặng. Điều đó khiến việc điều trị càng khó khăn hơn. “Gia đình cần chú ý việc chơi game của trẻ.

Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như: Lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị càng sớm càng tốt”, bác sĩ La Đức Cương khuyến cáo.

Trước tình trạng nhiều thanh thiếu niên mắc bệnh trầm cảm do nghiện game online như hiện nay, trong năm 2019, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh thiếu niên. Dự án được thực hiện trong 3 năm và có từ 200 đến 300 thanh thiếu niên nghiện game online hoặc bị trầm cảm sẽ tham gia quá trình nghiên cứu này. Việc nghiên cứu tập trung vào đo lường ngưỡng hormone của trẻ nghiện game và trầm cảm, xác định được sự bất thường, để từ đó có biện pháp can thiệp, điều chỉnh kịp thời.

Đây sẽ là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về nghiện game online với hy vọng mở ra cơ hội điều trị tốt nhất đối với các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng cũng như đem lại cơ hội bảo tồn, ổn định tâm lý của trẻ sau điều trị nghiện game online.

Nghiện game online hay internet, cụ thể là những người liên tục sử dụng internet 5-6 giờ trong mỗi ngày trở lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển tâm sinh lý. Bản chất cơ chế bệnh sinh ra từ việc nghiện game và trầm cảm đều xuất phát bởi tình trạng rối loạn cân bằng của nhóm 5 hormone, gồm: Dopamin, endorphin, testosterone, oxytocin, serotonin - còn gọi là dàn nhạc 5 hormone hạnh phúc.

Thu Trang