Gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 06:44, 19/11/2018
Còn nhiều bất cập
Đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, Công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ ngày 1-12-2004. Tuy nhiên, gần 14 năm nay, Công ty vẫn chưa hoàn thiện được Dự án Khu đô thị Dragon City do còn tồn tại nhà và đất của một số hộ dân, dù Công ty đã thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn của thị trường bất động sản. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, đa phần doanh nghiệp đều gặp trở ngại về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án bất động sản.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh cho rằng, vướng mắc về chữ “đất ở” tại Khoản 4, Điều 23, Luật Nhà ở gây ra ách tắc trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, chỉ tiêu dân số cũng đang là rào cản, gây khó cho các dự án chỉnh trang đô thị và làm giảm tính khả thi của các dự án nhà ở...
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng còn nhiều điểm nghẽn như bất cập trong chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), tín dụng, thủ tục hành chính…
Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013, thành phố nhận thấy 109 điểm vướng, hiện đã kiến nghị Trung ương tháo gỡ còn 36 điểm.
Những điểm nghẽn trên góp phần khiến trong 10 tháng của năm 2018, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh cả về nguồn cung và số lượng giao dịch so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, dù nguồn cung sụt giảm nhưng phân khúc cao cấp chiếm tới 1/3 nguồn cung thị trường (tỷ lệ 31,3%) và đã xuất hiện dấu hiệu dư thừa tại TP Hồ Chí Minh cũng như trên phạm vi cả nước.
Giải quyết ngay theo thẩm quyền
Trước các điểm nghẽn của thị trường bất động sản cũng như khó khăn của doanh nghiệp, HoREA đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố để làm cơ sở thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư cho các dự án nhà ở trên địa bàn.
Bên cạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn của thị trường, HoREA đề xuất, trường hợp nhà đầu tư đã có quỹ đất ở thì đề nghị Sở Xây dựng trình UBND thành phố xem xét quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Nhà ở. Trường hợp dự án bao gồm đất ở và các loại đất khác cần phải chuyển mục đích sử dụng đất thì đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố xem xét quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đầu tư.
Tại buổi làm việc với HoREA mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định hiện nay, để được công nhận chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp phải có 100% đất ở hợp pháp. Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thành phố sẽ phân loại ra các loại "đất", cụ thể: Dự án đã có 100% đất ở mà chủ đầu tư thực hiện bằng vốn ngoài ngân sách thì Sở Xây dựng sẽ tiếp nhận hồ sơ, xem xét công nhận chủ đầu tư; đối với dự án chưa có 100% đất ở, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp nhận hồ sơ, xem xét công nhận chủ đầu tư. Riêng dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước thì theo quy định của Luật Đầu tư công.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, theo hướng tháo gỡ của Chính phủ, trong thời gian tới sẽ không sử dụng “đất ở” để xem xét chấp thuận đầu tư dự án cho doanh nghiệp mà chỉ dùng từ “đất”. Việc chấp thuận đầu tư dự án được căn cứ vào các điều kiện như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, dân số, năng lực doanh nghiệp…
Trước đó, tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh, nếu thuộc thẩm quyền của thành phố, thành phố sẽ giải quyết ngay...
Còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của trung ương hoặc những vướng mắc của pháp luật hiện hành, thành phố sẽ ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, sau đó tổng hợp chuyển đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh để trình Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ, sửa đổi.