Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:14, 19/11/2018

(HNM) - Cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao “sức khỏe”, hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như tạo điều kiện tham gia kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.

Quá trình cổ phần hóa góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Viết Thành


Thực trạng và yêu cầu cải cách

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, từ chỗ cả nước có 12.000 DNNN vào đầu những năm 1990, đến nay chỉ còn khoảng 500 DNNN (100% vốn nhà nước). Dự kiến năm 2020, cả nước còn khoảng 100 DNNN. Giai đoạn 2016-2020, đã phê duyệt phương án cổ phần hoá 136 DNNN. Tuy nhiên, kết quả cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Tính chung, từ năm 2016 đến nay mới thực hiện cổ phần hóa được 54% doanh nghiệp theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tiến độ thoái vốn còn chậm.

Nguyên nhân có nhiều, theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, trước hết là do tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm cũng như sợ “mất chỗ” của lãnh đạo doanh nghiệp. Tiếp theo, công tác tuyên truyền với xã hội, giới thiệu thông tin cần thiết đến giới đầu tư, hoặc vận động người lao động có lúc, có nơi chưa đủ mức cần thiết, dẫn đến sự hiểu chưa đầy đủ từ phía các đối tượng liên quan.

Cổ phần hóa chậm còn do thiếu phương án sắp xếp, phân bố lao động khả thi, đặc biệt là trong tạo việc làm cho nhân công bên cạnh việc giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động. Cuối cùng là, bản thân một số doanh nghiệp có quy mô lớn, nhưng lại gặp khó khăn, hoặc đang trong tình trạng thua lỗ kéo dài, chậm khắc phục... ảnh hưởng xấu đến uy tín của cộng đồng DNNN nói chung và của chính các dự án đó nói riêng.

"Các quy định về đất đai, tài sản gắn liền với đất và lợi tức từ đất chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ cũng ảnh hưởng đến quá trình định giá tài sản doanh nghiệp. Không ít trường hợp, nếu tách riêng đất đai ra khỏi tài sản doanh nghiệp thì đơn vị đó hầu như không còn gì” - ông Đặng Quyết Tiến nhận xét.

Giải pháp để “lột xác”

Ông Phạm Đức Trung (chuyên viên Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho biết, DNNN cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, trong đó áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế. Giai đoạn 2020-2025, DNNN phải đạt hiệu suất sinh lời của vốn chủ sỡ hữu ít nhất 15%/năm; hiệu suất sinh lời tài sản 7-9%/năm.

Cũng không nên cho rằng tất cả DNNN sẽ đều phải thu hẹp lại, mà từ nay đến năm 2030 Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để một số tập đoàn có lợi thế, tiềm năng phát triển, lớn mạnh hơn về quy mô, tăng sức cạnh tranh để ngang tầm một số doanh nghiệp tầm vóc khu vực. Cơ quan chức năng cần tách bạch quá trình bán vốn, việc thu hồi nợ theo hướng xác định việc theo dõi và thu hồi nợ là công việc thường xuyên, liên quan đến cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các doanh nghiệp. Cụ thể, cần có quy định riêng đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, nếu không thoái vốn sẽ có nguy cơ mất vốn.

Để cổ phần hóa DNNN đạt hiệu quả, ông Nguyễn Trần Minh Trí (chuyên viên Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, quá trình đấu giá cần được thực hiện nghiêm túc, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất; kiên quyết xử lý nghiêm hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật (như nộp hồ sơ quá gấp, hay bắt tay nhau...) để dìm giá, chi phối kết quả đấu giá khi cổ phần hóa DNNN.

Đặc biệt, cần duy trì sự đánh giá mức độ hoàn thành công việc và quy trách nhiệm đối với lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn...

Mới đây, các bộ Công Thương, Giao thông - Vận tải... vừa chuyển một số tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Như vậy, từ nay một lượng vốn khổng lồ của nhà nước sẽ được quản lý một cách minh bạch, chắc chắn hơn, qua đó mỗi đồng vốn sẽ được bảo toàn, sinh lời cao hơn so với mô hình quản lý cũ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với cơ chế quản lý và điều hành mới, các đơn vị này sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển hơn; đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Việc chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ, ngành về một đầu mối là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cơ bản hoàn tất. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao 5 tập đoàn, tổng công ty; Bộ Công Thương: 6 tập đoàn và tổng công ty; Bộ Giao Thông - Vận tải: 5 tập đoàn và tổng công ty; Bộ Tài chính: 1 tổng công ty; Bộ Thông tin và Truyền thông: 1 tập đoàn và 1 tổng công ty. Tổng giá trị tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước này khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đầu mối duy nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh, doanh tại 19 doanh nghiệp này. 

Hồng Sơn