Nhận diện để phòng ngừa, đấu tranh
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:56, 19/11/2018
Theo các văn bản luật và nhiều tài liệu có tính pháp lý, bí mật nhà nước được hiểu là những thông tin có nội dung quan trọng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc...
Ý thức rõ vai trò quan trọng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước từng bước được hoàn thiện. Đáng chú ý, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28-12-2000 về bảo vệ bí mật nhà nước; tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng; nhiều nghị định, thông tư, văn bản dưới luật khác được ban hành, thực thi, tạo cơ sở pháp lý và chế tài cần thiết đối với hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước...
Những việc mà chúng ta đã làm và kết quả đạt được đã góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh nội bộ, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đánh giá: “Tình trạng lộ, lọt thông tin, bí mật nhà nước, nhất là qua mạng internet, qua các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nghiêm trọng...". Đáng chú ý, hầu hết các vụ lộ, lọt bí mật nhà nước là do cán bộ, đảng viên, công chức gây ra. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chấp hành chưa nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, nhất là trong quản lý tài liệu mật, thông tin mật.
Đặc biệt, bên cạnh những trường hợp làm lộ, lọt bí mật nhà nước do vô tình, đã xuất hiện những cán bộ, đảng viên "tự diễn biến" cố tình làm lộ bí mật nhà nước, bán thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước cho kẻ xấu...
Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức tìm cách lợi dụng đường lối đối ngoại mở rộng của Đảng, Nhà nước ta để tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, móc nối, đánh cắp bí mật nhà nước, nhằm phá hoại ta. Để tìm kiếm, khai thác, thu thập những thông tin thuộc bí mật nhà nước, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn nào hòng tiếp cận, móc nối, lôi kéo, mua chuộc và khống chế người có vị trí quan trọng hoặc những người có trách nhiệm quản lý, thường xuyên tiếp xúc, sử dụng, xử lý những thông tin, tài liệu mật; dùng mọi cách để mua bán, moi móc thông tin mật, tài liệu mật ...
Đáng tiếc là, không ít cán bộ, đảng viên ta đã "sập bẫy" trước những chiêu trò của kẻ xấu. Trên thực tế, chúng ta đã có những bài học đắt giá từ những hành vi vi phạm các quy định về quản lý tài liệu mật, để kẻ xấu lợi dụng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2001 đến năm 2017, chúng ta đã phát hiện hơn 800 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước; trong đó có nhiều thông tin, tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật.
Không chỉ mất cán bộ, đảng viên mà hậu quả từ những vụ lộ, lọt bí mật nhà nước là hết sức lớn, vừa gây phương hại đến chính trị, quốc phòng và an ninh quốc gia, vừa gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác đối ngoại, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì những cán bộ, đảng viên lơ là, chủ quan, mất cảnh giác dẫn đến làm lộ bí mật nhà nước, là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, tác phong làm việc cẩu thả, kém hiệu quả; không có ý thức hết lòng vì nước, vì dân; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao...
Những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, cố tình làm lộ bí mật nhà nước, để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng chống phá Đảng và Nhà nước là biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.
Nhận diện đúng về những biểu hiện nêu trên, từ đó chủ động có các biện pháp phù hợp để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này là việc làm quan trọng, cấp bách. Công việc này không của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để làm tốt công việc hệ trọng ấy, trước hết cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị phải lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ yêu cầu của công tác bảo vệ thông tin, tài liệu, hiện vật thuộc bí mật nhà nước. Cán bộ, đảng viên không chỉ phải gương mẫu trong việc giữ bí mật nhà nước mà còn phải tuyên truyền, giáo dục nhân dân cùng thực hiện.
Từ nhận thức cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành đối với việc giữ bí mật nhà nước, coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Mỗi người dân cần ý thức rõ, bảo vệ bí mật nhà nước là một nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc.
Đồng thời, để không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác và góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả, mọi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, lợi dụng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta để tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, đánh cắp bí mật nhà nước nhằm chống phá đất nước....
Song hành với công việc ấy cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ các cơ quan Đảng, Nhà nước… Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, hướng dẫn phải được tiến hành thường xuyên, bảo đảm nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng, các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên, công chức cả trong cơ quan, đơn vị và tại gia đình, địa phương… để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các sai phạm. Các cơ quan, lực lượng chuyên trách chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện các vụ làm lộ hoặc các hành vi chiếm đoạt bí mật nhà nước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.