Miền Trung và Tây Nguyên khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới

Xã hội - Ngày đăng : 16:15, 20/11/2018

Ngày 20-11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai ban hành văn bản 180 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên...

Bản đồ đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. (Ảnh: TTXVN)


Các đơn vị khẩn trương ứng phó gồm các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Quốc phòng; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện một áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện, có thể mạnh lên thành bão đang hoạt động ngoài khơi phía Đông Philippines, nhiều khả năng tiến vào Biển Đông và đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ vào cuối tuần này.

Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, bộ, ngành và các cơ quan truyền thông tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị 19/CT-TTg, ngày 13-7-2018 về công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7-8-2018 về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và Công điện ngày 18-11 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói; bố trí nơi ăn chốn ở cho những người bị mất nhà cửa, hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống.

Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn; chủ động phương án sơ tán dân vùng trũng, thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất.

Các địa phương chủ động các phương tiện đảm bảo an toàn cho người và sản xuất tại các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch và trang trại nuôi trồng thủy hải sản; hướng dẫn các biện pháp gia cố nhà cửa, kho tàng, cột tháp, các công trình có khả năng mất an toàn; tổ chức chặt tỉa cành cây, đặc biệt ở các khu đô thị và các nơi dân cư tập trung.

Các tỉnh, thành phố triển khai các lực lượng, nhất là các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai tại từng xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ để kịp thời ứng phó có hiệu quả ngay từ giờ đầu; kiểm tra, tổ chức xử lý, thanh thải vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy, nhất là trên các khe suối, khe cạn, đề phòng xảy ra lũ quét khi có mưa lớn.

Tổ chức tính toán để chủ động các phương án vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du; chú trọng việc kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa xung yếu, kể cả các hồ chứa nhỏ, xây dựng tự phát trong các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

Sẵn sàng phương án tổ chức canh gác, phân luồng, đảm bảo giao thông tại ngầm tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, dễ bị sạt trượt để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Khu vực trên biển và ven biển cần kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo thông tin, liên lạc, các trang thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền đánh bắt thủy sản. Tổ chức hướng dẫn sắp xếp, kỹ thuật neo đậu tàu thuyền tại bến.

Kiểm tra, rà soát các hoạt động nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch và thực hiện kê khai ban đầu theo quy định tránh những vướng mắc trong hỗ trợ thiệt hại như đã xảy ra sau bão số 12 năm 2017; triển khai gia cố bảo vệ ao, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, tranh thủ thu hoạch sớm hải sản sắp đến kỳ thu hoạch.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền hoạt động du lịch trên biển. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương án để triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo trong các chỉ thị và công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, rà soát công tác đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án ứng phó sự cố đập, nhất là các đập vừa, đập nhỏ xung yếu do địa phương quản lý.

Chỉ đạo công tác đảm bảo tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên biển. Tổ chức các đoàn kiểm tra an toàn hồ đập, chỉ đạo việc triển khai canh gác và thường trực vận hành hồ chứa của các cơ quan chuyên môn và chủ đập.

Bộ Công Thương chỉ đạo, rà soát công tác bảo đảm an toàn, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án sẵn sàng ứng phó với sự cố đập thủy điện, nhất là các đập thủy điện do tư nhân quản lý và hệ thống truyền tải điện, hoạt động khai thác khoáng sản.

Các công nhân kiểm tra đường điện lưới. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường việc thông tin và hướng dẫn di chuyển, tránh trú, neo đậu đối với các tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai để tránh thiệt hại đáng tiếc như trong cơn bão số 12 năm 2017.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, nhất là mưa lớn và phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và điều hành hồ chứa, liên hồ chứa.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường phát sóng các chương trình hướng dẫn, phổ biến kiến thức, hướng dẫn biện pháp phòng tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai, nhất là lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão…; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình và công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục thiên tai.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ, tổng hợp kết quả, báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, đã xảy ra mưa lớn tại Khánh Hòa và một số tỉnh Nam Trung Bộ, trong một ngày (từ 19 giờ ngày 17-11 đến 19 giờ ngày 18-11) lượng mưa nhiều nơi đã lên đến 200-300 mm, cá biệt có nơi gần 400 mm (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa 382 mm).

Mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực thuộc địa bàn thành phố Nha Trang, làm 19 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương cùng nhiều nhà cửa bị đổ sập, cuốn trôi.

Những năm gần đây, thiên tai ở tại miền Trung đã diễn ra hết sức khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của người dân và xã hội. Điển hình là những đợt lũ chồng lũ vào cuối năm 2016 tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ; bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa cuối năm 2017.

Những hậu quả thiên tai gây ra tại các địa phương là hết sức nghiêm trọng, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội và phát triển bền vững trong khu vực.

Theo Vietnamplus